Mỹ - “Tiêu chuẩn vàng” khắc phục ô nhiễm không khí cũng đang đương đầu chống chọi
Mỹ đứng thứ bảy về tổng số người chết và là quốc gia giàu có nhất có mặt trong top 10 nước có số người chết do ô nhiễm lớn nhất, với 197.000 người thiệt mạng trong năm 2017.
Cụ thể, theo một nghiên cứu mới trên toàn cầu, Mỹ nằm trong số 10 quốc gia nguy hiểm nhất về tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Điều này cảnh báo rằng sự hiểu biết về mức độ của cuộc khủng hoảng ô nhiễm đang bị cản trở.
Không khí, nước, đất và nơi làm việc bị ô nhiễm đã làm chết ít nhất 8,3 triệu người trên toàn thế giới trong năm 2017, chiếm 15% tổng số ca tử vong sớm.
Trên toàn cầu, gánh nặng tử vong và tàn tật thực tế gần như chắc chắn cao hơn rất nhiều vì vô số chất độc có mặt khắp nơi - bao gồm chất thải dược phẩm, nhựa, hầu hết các nguồn chì, thủy ngân và hóa chất gây rối loạn hormone. Những chất độc này chưa được đưa vào dữ liệu sức khỏe được phân tích trong báo cáo mới của Liên minh toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm.
Báo cáo đo lường ô nhiễm và sức khỏe cập nhật những phát hiện từ một nghiên cứu của Ủy ban Lancet cho thấy 9 triệu ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm trong năm 2015.
Gánh nặng tử vong lớn nhất thuộc về các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 4,3 triệu ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm.
Trong khi đó, Mỹ đứng thứ bảy về tổng số người chết do ô nhiễm, đứng giữa Bangladesh và Nga.
Brazil, Indonesia và Nigeria cũng nằm trong số 10 nước có số người thiệt mạng lớn nhất do ô nhiễm không khí. Tổng số người chết do ô nhiễm không khí tại 10 quốc gia nỳ chiếm 2/3 tổng số người chết vì ô nhiễm trên toàn cầu.
Các tòa nhà của trung tâm thành phố Los Angeles, Mỹ bị che khuất một phần vào giữa trưa do ô nhiễm không khí. Ảnh: Mario Tama / Getty Images |
Gina McCarthy, cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết: Lịch sử Mỹ là tiêu chuẩn vàng trong việc khắc phục ô nhiễm nhưng hiện nay chúng ta đang rất buồn vì chưa nỗ lực đủ và có thể khiến chúng ta mất đi tiêu chuẩn này.
“Chúng ta phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng từ ô nhiễm và những rủi ro đó đang ngày càng trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu” - Gina McCarthy nhấn mạnh.
Trên toàn cầu, ô nhiễm giết chết số người nhiều gấp ba lần mỗi năm so với HIV / Aids, bệnh lao và sốt rét cộng lại. Nó cũng chịu trách nhiệm cho số người chết cao gấp 15 lần số người thiệt mạng do chiến tranh và các hình thức bạo lực khác.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và tàn tật, đặc biệt liên quan đến các bệnh tim mạch và hô hấp, đột quỵ và một số bệnh ung thư.
Không khí xung quanh độc hại, phần lớn là do xe cộ và công nghiệp nặng, chịu trách nhiệm cho 3,4 triệu hoặc 40% các ca tử vong liên quan đến ô nhiễm trên toàn thế giới.
Tại Mỹ, chất độc không khí gây ra 55% tử vong do ô nhiễm.
Một trong những chất gây ô nhiễm không khí có hại nhất cho sức khỏe con người là chất dạng hạt (PM) - một hỗn hợp phức tạp gồm các hạt cực nhỏ và các giọt nhỏ được tạo ra bởi việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nhà máy điện và lửa.
Gretchen Goldman, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Khoa học và Dân chủ thuộc Liên hiệp các nhà khoa học liên quan cho biết PM là nguyên nhân cho hầu hết các trường hợp tử vong ở Mỹ.
Nguyên nhân dễ tìm...
Báo cáo mới dựa trên dữ liệu từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu năm 2017 của Viện Đo lường Sức khỏe (IHME). Việc giảm nhẹ tổng thể - giảm từ 9 triệu xuống 8,3 triệu ca tử vong rất có thể phản ánh sự thay đổi trong phương pháp liên quan đến ô nhiễm không khí, thay vì bất kỳ cải tiến thực tế nào.
Tại mỹ, một xu hướng tích cực là ô nhiễm truyền thống liên quan đến vệ sinh kém và bếp lò đốt củi đang giảm. Nhưng các chất ô nhiễm hóa học gây ô nhiễm hiện nay và độc tố không khí từ nhiên liệu hóa thạch đang gia tăng ở khắp mọi nơi.
Ông Richard Fuller, đồng tác giả của báo cáo cho biết: “Ô nhiễm không khí thực sự là bài toán nan giải bởi những vướng mắc về đầu tư tại các quốc gia bị ảnh hưởng và các cơ quan song phương”.
Những lỗ hổng lớn về kiến thức khoa học cho thấy ô nhiễm thực sự có thể là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong so với dữ liệu hiện tại.
Ví dụ, báo cáo bao gồm một triệu ca tử vong trên toàn thế giới liên quan đến chì, nhưng con số thực có thể cao gấp hai hoặc ba lần vì số lượng hiện tại chỉ bao gồm phơi nhiễm với nhiên liệu chì. Tác động của việc tiếp xúc với chì từ sơn, ống nước, pin và thực phẩm được loại trừ.
Một người phụ nữ đi bộ qua đường ray xe lửa vào một buổi sáng dày đặc sương mù ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS |
Tại Mỹ, hàng trăm ngàn trẻ em vẫn có nguy cơ tiếp xúc với chì từ hệ thống sơn cũ và nước cổ, gây ra sự thiếu hụt về nhận thức và hành vi, co giật và tử vong.
Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng có thể làm tăng đáng kể số lượng người tiếp xúc với ô nhiễm. Chẳng hạn, nhiệt độ cao hơn có thể làm thay đổi cấu trúc hóa học của một số chất gây ô nhiễm như thủy ngân, đồng và chì, trong khi lượng mưa lớn có thể làm mất chất thải độc hại, mỏ bỏ hoang và vùng nước thải nông nghiệp.
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu mối quan hệ phức tạp giữa ô nhiễm, sức khỏe và biến đổi khí hậu; tuy nhiên, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó thực sự sẽ gia tăng nguy cơ phơi nhiễm độc hại… Điều này có thể dẫn đến trường hợp mắc bệnh và tử vong liên quan đến ô nhiễm lớn hơn đáng kể”.
Không chỉ ở Mỹ hay một số quốc gia kể trên, Anh cũng là nước đang đương đầu quyết liệt với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. Mới đây, tại Anh, có một cuộc điều tra mới về cái chết của một bé gái 9 tuổi do hen suyễn và ô nhiễm không khí được quan tâm lớn trong cuộc điều tra này.
Bé Ella Kissi-Debrah qua đời vào tháng 2/2013 sau ba năm bị co giật và 27 lần đến bệnh viện vì vấn đề hô hấp. Một cuộc điều tra vào năm 2014 kết luận rằng cô đã chết vì suy hô hấp cấp tính, nhưng cuộc điều tra này đã bị các thẩm phán tòa án tối cao bác bỏ vì có bằng chứng mới về nồng độ ô nhiễm không khí gây ra cái chết của cô bé.
… nhưng giải pháp khó thực hiện
Tại Paris, Pháp, câu chuyện về xử lý ô nhiễm không khí cũng gặp nhiều khó khăn. Theo chuyên gia Pháp, Paris đã xác định phương tiện cá nhân là một nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và có biện pháp quyết liệt để xử lý.
Bà Karine Leger, Giám đốc của Airparif - Mạng lưới quản lý chất lượng không khí Paris cho biết: Ô nhiễm không khí hiện nay như phần nổi của tảng băng chìm, không chỉ diễn ra trong vài ngày hay vài tuần, mà luôn tiềm ẩn mọi thời điểm. Ô nhiễm không khí chủ yếu diễn ra ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, nhưng những khu vực phát triển như thủ đô Paris của nước Pháp cũng phải hứng chịu tình trạng này.
"Chính quyền thành phố đã xác định nguyên nhân ô nhiễm không khí chủ yếu là do giao thông, thêm vào đó là các lò sưởi được sử dụng để sưởi ấm nhà cửa vào mùa đông. Từ đó, Paris đã có những nỗ lực suốt gần 20 năm qua nhằm cải thiện chất lượng không khí", Leger nói.
Theo bà Leger, sau khi xác định được nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí đến từ giao thông, thành phố đã tập trung vào các biện pháp như giảm lưu lượng ôtô lưu thông, đồng thời kiểm soát và cắt giảm tối đa lượng khí thải độc hại phát ra từ các phương tiện bằng cách đánh số từ 1 đến 5 cho mức độ phát thải của phương tiện.
Ông Olivier Chretien, Trưởng phòng Tác động Môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô thị thành phố Paris cho biết: Để hạn chế tác động từ ô nhiễm không khí, Paris cũng chú trọng việc tái cấu trúc không gian, như di dời người dân ở khu vực phải tiếp xúc với nguồn không khí ô nhiễm, tích cực triển khai các biện pháp truyền thông về ô nhiễm, trong đó có hệ thống AirParif.
AirParif là mạng lưới quản lý chất lượng không khí đặc biệt và duy nhất trên thế giới, liên tục cập nhật các nhận định, ý kiến chuyên gia nhằm giải thích cho người dân hiểu về tình hình, chất lượng không khí.
Kết quả là trong giai đoạn 2001-2018, thủ đô Pháp giảm được 30% lưu lượng giao thông và giảm được 22% lượng khí phát thải CO2 từ 2005 đến 2015.
Tuy nhiên, theo Chretien, Paris cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cụ thể, trong quá trình hạn chế phương tiện giao thông, nhiều người nghèo, thu nhập thấp không có đủ tiền để đổi các phương tiện mới đảm bảo quy chuẩn về khí thải.
Ông cho rằng chính quyền cần hỗ trợ tài chính, có các biện pháp trợ cấp nhằm giúp họ đổi sang các dòng xe đạt tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần giám sát nghiêm ngặt trong việc đánh số mức độ phát thải của phương tiện, lắp đặt các trạm cảm biến và đánh thuế môi trường đối với các doanh nghiệp.
Ông Chretien cũng chỉ ra các tồn tại của Paris hiện nay là chưa loại bỏ được các xe chạy dầu diesel và thay thế xe hơi bằng các phương tiện ít ô nhiễm hơn. Bên cạnh đó, vấn đề người dân sử dụng lò sưởi mở, nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn (PM2.5), hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ông cho rằng nhận thức của người dân về vấn đề chất lượng không khí trong nhà vẫn cần phải được thay đổi.
Có thể thấy, ô nhiễm không khí là vấn nạn chung của các quốc gia trên toàn thế giới. Để có thể hạn chế tình trạng này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng cũng rất cần sự chung tay của người dân từ thay đổi hành vi, nhận thức, tiến tới hành động mạnh mẽ để đẩy lùi vấn nạn này.