Dân bức xúc, nhưng ngại động chạm
Trao đổi với phóng viên, anh V.V.Đ, quê Nam Định, sinh sống tại đây hơn 30 năm cho biết: Suốt một dọc đường từ thôn Hưng Long lên thôn Loa, rồi đến Thành Công. Chỗ nào người dân cũng bức xúc cả. Vì mấy lý do chính: Đường sá giao thông trong xã Thành Long rất bừa bộn. Lúc trước là đường cấp phối, rải đá nhựa, đi lại tốt, sạch. Nhưng kể từ ngày có 1 số mỏ quặng khai thác trên địa bàn, đã dẫn đến tình trạng hỏng đường. “Ổ voi, ổ gà”, mọc khắp nơi. Ngày mưa thì bùn đất văng lên, ngày nắng thì bụi mù mịt. Bà con rất bức xúc. Nhiều lần có ý kiến lên UBND xã Thành Long, nhưng họ cứ lờ đi. Và xe cứ chạy, không có 1 quy ước, quy chuẩn nào cả. Vậy trách nhiệm quản lý ở đâu?. Anh Đ bức xúc cho biết thêm: Lúc trước, một số người còn làm đơn tố cáo lên huyện, lên tỉnh. Nhưng không hiểu sao, những lá đơn kiến nghị đều “thất lạc” cả...
“Mục sở thị” ngay ở ngã ba thôn Hưng Long, lối rẽ vào Công ty TNHH Sơn Lâm CĐP, phóng viên quan sát thấy: đoàn xe chở cao lanh, felspat từ các khu mỏ trong công ty cứ ồ ạt chạy ra. Toàn xe 6 chân, trọng tải 5 – 60 tấn ì ạch bò ra. Không chỉ có mép thùng, mà các xe này còn hàn thêm cả mép thùng lên 2 – 30 cm cho bõ công chở. Do chở nặng, cộng đường dốc, khiến những chiếc xe này lặc lè bò, gầm rú giữa xóm làng, gây ầm ĩ cả một vùng quê nghèo. Tiếng bánh xe xiết xuống mặt đường cầy trốc lên cả đá và đất cuốn theo làn bánh. Hết chiếc này vào, chiếc kia lại ra. Nối đuôi nhau, chở hàng đi về xuôi.
Chị H.T.N, nhà ở ngã ba thôn Loa, bán hàng ở đây cho biết: Ngày nào xe họ chẳng chạy. Toàn xe khủng cả. Có ai ngăn chặn gì đâu. Bà con có ý kiến thì chỉ biết báo lên trưởng thôn. Có lần thì trưởng thôn có ý kiến lên xã, có lần không. Nói mãi thành quen. Chị N cũng đề nghị: Để đảm bảo đời sống của người dân, cần phải nghiêm cấm các loại xe tải "khủng" này vào đây. Chỉ cho xe 5 tấn chở thôi. Hàng ngày, phải có xe tưới nước trên đường cho đỡ bụi….
“Quan xã” rất lạc quan?
Mang những thắc mắc của người dân xã Thành Long đến UBND xã. Phóng viên đã chủ động liên hệ với bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, bà Tám lấy lý do bận tiếp 1 số đoàn khách khác nên giao cho ông Nguyễn Công Lý, Phó chủ tịch UBND xã trả lời phóng viên.
Ông Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long cho biết: Mỏ Cao lanh – Felspat là dự án khai thác mỏ lộ thiên, do Công ty TNHH Sơn Lâm CĐP làm chủ đầu tư dự án. Mỏ mới hoạt động trở lại được mấy tháng gần đây, do lúc trước nghỉ dịch. Về tình trạng đường xá bị hỏng, do xe tải của đơn vị gây ra. Ông Lý cho biết: đoàn xe đó chủ yếu là của Cty Sơn Lâm CĐP chở hàng đi. Mỗi năm, Cty này cùng với Xã phối hợp sửa đường 2 lần. So sánh với vốn ngân sách, ông này cho biết: “Cái vốn duy tu, sửa chữa của UBND huyện Hàm Yên có đáng gì đâu. Nếu doanh nghiệp không chung tay vào sửa chữa, đường còn hỏng hơn nữa. Còn bụi, lúc nào bụi quá thì xã lại yêu cầu họ đi tưới nước”. Còn về tải trọng của xe chạy ra, xã không kiểm tra được. Khi được hỏi về giấy phép của doanh nghiệp, cam kết bảo vệ môi trường cũng như các điều kiện khác. Ông Lý cho biết: Cũng không nhớ bao giờ thì mỏ này hết hạn. Còn các loại giấy tờ khác thì phải hỏi địa chính, nhưng địa chính cũng đi… vắng hết.
Rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến ông Đức, đại diện trong phía công ty Sơn Lâm CĐP, nhưng ông này không nghe máy, cũng không trả lời.
Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên được biết: Công ty TNHH Sơn Lâm CĐP do ông Nguyễn Văn Quyết làm đại diện pháp luật. Chuyên khai thác quặng kim loại khác, không chứa sắt. Khai thác, chế biến Kaolin – fenspat… Dự án khai thác và chế biến cao lanh hoạt động ở đây được mấy năm, nhưng lợi ích mang lại cho người dân thì không thấy, chỉ thấy bụi bặm và đường xá hư hỏng. Khu vực khai thác ở trên đồi cao, khi khai thác, đất đá thải trôi xuống, cũng gây nên nhiều ảnh hưởng với đời sống nhân dân xung quanh. Chưa kể, nạn xe tải trọng lớn “tàn phá” suốt đêm ngày. Gây nên nhiều bức xúc trong dân.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: việc để những chiếc xe tải trọng lớn chạy trong đường liên xã là điều không chấp nhận được. Chưa kể ra QL2 cần phải làm chặt hơn nữa. Nhưng ngay từ đầu, Sở Giao thông vận tải cần phải có yêu cầu cam kết đối với công ty. Nếu hàng của công ty xuất ra, mà quá tải trọng, thì phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc…
Đã đến lúc UBND tỉnh Tuyên Quang cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xem xét lại tình hình triển khai khai thác tài nguyên khoáng sản tại dự án này trước khi quá muộn.