Xã hội

Hàm Thuận Nam (Bình Thuận): Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo

Linh Nga 28/09/2023 - 17:42

(TN&MT) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân địa phương, công tác giảm nghèo của huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từ đó đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

a-1-ho-tro-von-cho-ho-ngheo.jpg
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi mô hình canh tác và vươn lên thoát nghèo

Sát cánh cùng hộ nghèo

Từng là địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, giờ đây, Hàm Thuận Nam dần “thay da đổi thịt”. Những tuyến đường nhựa, bê tông sáng - xanh - sạch - đẹp và những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát nhau... đã làm bừng sáng cả một vùng quê nghèo khó năm nào. Có được kết quả trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đã và đang thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững.
Với diện tích tự nhiên 105.178,2 ha, bao gồm 12 xã và 01 thị trấn. Dân số khoảng 101.500 người. Có 11 dân tộc đang sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 5,52%, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS vẫn hoàn toàn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phụ thuộc vào tự nhiên, sản xuất bấp bênh dẫn đến hộ nghèo cao.

Theo đó, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường đầu cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại các xã vùng nông thôn, đặc biệt là vùng có đông đồng bào DTTS; Hỗ trợ phát triển sản xuất hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tạo thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Rà soát hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào DTTS do không có đất sản xuất; Hướng dẫn giúp đỡ về các phương pháp thâm canh, xen canh để hộ nghèo sử dụng có hiệu quả diện tích đất đã cấp, tiếp tục tạo điều kiện cho đồng bào DTTS nhận khoán bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập.

Đồng thời, thực hiện các dự án khuyến nông, lâm, ngư, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề truyền thống cho người nghèo, cận nghèo.

Tập trung giải quyết vốn cho vay, bảo đảm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn, được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ; Tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động nhằm phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo và truyền tải các thông tin phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật phục vụ vùng đồng bào DTTS...

Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Trong năm 2022, các ngân hàng đã thực hiện chính sách cho vay ưu đãi 3.695 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Trong đó cho vay vốn nước sạch vệ sinh 2.304 hộ, với số tiền 46 tỷ đồng và cho 625 hộ vay vốn giải quyết việc làm, với số tiề 30,7 tỷ đồng; triển khai công tác đào tạo nghề cho 510 lao động và giải quyết việc làm cho 2.023 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng thụ các chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và tiếp cận thông tin. Các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế 100%. Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng cao.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được tăng lên. Tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam còn khoảng 789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,56% và 1.154 hộ cận nghèo, chiếm 3,74%. Qua đó, cho thấy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương trong việc chung tay hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện.

a-2-nong-thon-moi.jpg
Nhiều công trình giao thông được đầu tư, giúp khu vực nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được tăng lên

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam khẳng định, trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo và quyết tâm giảm nghèo bền vững, huyện Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Đặc biệt là những hộ đã thoát nghèo cần nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức vượt khó, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng.

Bên cạnh đó, địa phương tích cực chỉ đạo khảo sát, nắm tình hình đời sống của những hộ nghèo, cận nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế từng hộ, cũng như thực hiện mô hình giảm nghèo gắn với hoàn cảnh của từng hộ, trong đó quan tâm đến các hộ cận nghèo và tái nghèo vùng đồng bào DTTS; phấn đấu đến năm 2025, có 100% hộ nghèo (thuộc diện đối tượng đã có đất để làm nhà ở) có nhà ở và không còn ở nhà tạm, nhà dột nát…

Đi cùng với đó huyện sẽ tập trung giải quyết kịp thời các nguồn vốn vay, đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Xây dựng phát triển nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, tạo việc làm, sinh kế bền vững. Đồng thời, làm tốt công tác chính sách đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động. Huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ những hộ thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tránh tái nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàm Thuận Nam (Bình Thuận): Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO