Hải sản không thể xuất khẩu nhiều doanh nghiệp tại Quảng Bình lao đao

Hồng Thiệu| 06/06/2021 10:56

(TN&MT) - Hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở thu mua hải sản không thể xuất khẩu phải vận chuyển trở về khiến hàng trăm tấn cá hư hỏng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản, vay ngân hàng để trả tiền cá đã mua từ ngư dân.

Từ giữa tháng 3/2021, đến nay tình trạng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình thu mua hải sản cho ngư dân vận chuyển xuất khẩu tại các cửa khẩu của các tỉnh phía Bắc nước ta nhưng lại phải chở hàng trăm tấn cá hư hỏng trở về do không thể thông quan hàng hóa.

Hàng trăm tấn cá không thể xuất khẩu phải vận chuyển trở lại Quảng Bình.

Chị Đặng Thị Liên – Giám đốc Công ty TNHH Vũ Lâm (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) là đơn vị thiệt hại nặng nhất do việc không thể xuất khẩu cá, xót xa: “Đối với cá hố từ gần tết năm vừa rồi giá mua 120.000 đồng/kg, thời điểm ra tết có khi giá lên 170.000 đồng/kg. Bây giờ thu mua giá 65-70.000 đồng/kg. Khi hoàn thành các thủ tục mình thuê xe vận chuyển ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh)… nhưng không thể thông quan được vì do phía Trung Quốc họ không làm thủ tục cho hàng mình sang. Có những thời điểm cá ra đến cửa khẩu bị ngâm tận 15-20 ngày thì gần như đã hư hỏng hết nên lại phải thuê xe chở về bán lại với các đơn vị sản xuất thức ăn cho heo. Trong tháng vừa rồi chỉ riêng tiền mua cá của công ty tôi đã hơn 4,3 tỷ đồng rồi, còn hàng của các anh chị khác cũng thiệt hại hơn 4 tỷ nữa, không xuất khẩu được nên hư hỏng, mất trắng cả”.

Cá bị thỗi rữa khi sau 15 ngày bị "om" tại các cửa khẩu.

Cũng theo chị Liên, hàng trăm tấn cá không thể xuất khẩu khoảng 15 ngày nằm chờ tại cửa khẩu bị hư hỏng, khi vận chuyển về chỉ bán lại với giá từ 10-12.000 đồng/kg (mua vào với giá 120.000 đồng/kg) cho các đơn vị sản xuất thức ăn cho heo. “Chúng tôi chỉ mong các cấp tỉnh, bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để hàng hóa có thể xuất khẩu. Hoặc có cơ chế, hỗ trợ chúng tôi xây dựng kho đông lạnh vì nếu trong quá trình chưa xuất khẩu được thì mình vẫn mua cá cho ngư dân đi biển về để bảo quản. Chứ giờ dân đi biển về mình mua giá rẻ thì dân lỗ, không mua thì dân còn khó khăn nữa mà mình mua vào không xuất khẩu được thì mình chết vì nợ nần”, chị Liên chia sẻ thêm.

Hàng loạt doanh nghiệp tại Quảng Bình phải vận chuyển cá trở lại.

Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường vào chiều ngày 5/6/2021, một xe tải chở hơn 23 tấn cá của Công ty TNHH Vũ Lâm sau khi bị “om” 15 ngày từ cửa khẩu Móng Cái về lại xã Cảnh Dương do không thể xuất khẩu. Hầu hết cá đã bị hư hỏng nghiêm trọng bốc mùi, thẩm chí nhiều thùng cá đã bị thối rữa, nhìn thấy cảnh tưởng này ai cũng thấy xót xa .

Hải sản hư hỏng vận chuyển trở lại Quảng Bình đem bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn cho heo với giá chỉ còn từ 10-12.000đồng/kg.

Tương tự Công ty Đức Hiếu tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn cũng từ tháng 3 đến nay có khoảng 20-25 tấn cá bị hư hỏng do ra đến cửa khẩu Móng Cái không thể thông quan nên phải thuê xe chở về lại Quảng Bình. “Cứ mỗi đợt thu mua cá cho ngư dân đi biển khoảng 15-20 tấn với giá 110.000 đồng/kg cá thu và cá hố. Nhưng từ tháng 3 đến nay công ty tôi đã phải vận chuyển từ cửa khẩu Móng Cái trờ về Quảng Bình khoảng 25 tấn cá bị hư hỏng do không thông quan được, lỗ hơn 2 tỷ đồng rồi. Cá sau khi đưa về bán lại chỉ có giá 12.000 đồng/kg, không đủ trả tiền thuê xe chứ đừng nói đến tiền lãi. Hai tháng nay tôi phải đi vay ngân hàng để trả tiền cá mua cho ngư dân, trong khi đó ngư dân đi biển công ty cũng đã hỗ trợ tiền dầu rồi, tình hình cứ thế này thì phá sản”, bà Mai Thị Vinh – Giám đốc Công ty Đức Hiếu khóc nghẹn.

Xe tải chất đầy hải sản hư hỏng có giá trị gần 2 tỷ đồng từ cửa khẩu các tỉnh miền Bắc trở về Quảng Bình khi không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Đồng Vinh Quang – Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết có khoảng 80% ngư dân tại địa phương này đi biển đánh bắt các loại cá thu, cá hô có giá trị kinh tế cao được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Trên địa bàn Cảnh Dương có 648 chiếc tàu thuyền với hơn 4.000 lao động, trong đó hơn 400 chiếc đánh bắt xa bờ.

“Mấy năm lại đây ngư dân đi biển không có cá nên nhiều thuyền cá bây giờ không đủ người. Bây giờ tình trạng cá doanh nghiệp thu mua cho ngư dân lại còn rẻ, trong khi xuất khẩu không được khiến cuộc sống của ngư dân càng khó khăn hơn, nhiều hộ bỏ nghề bám biển. Trước tình trạng này địa phương đã nắm bắt được tình hình và sẽ có văn bản báo cáo huyện, tỉnh để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc hoặc hỗ trở kinh phí để các doanh nghiệp xây dựng kho đông lạnh chứa cá nếu chưa thể xuất khẩu được”, ông Quang cho biết.

Hàng trăm thuyền ngư dân Cảnh Dương nằm bờ vì đi biển thất thu.

Một thực trạng tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch có 9 doanh nghiệp và cơ sở thu mua hải sản và xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chỉ có một kho đông lạnh chỉ chứa được khoảng 50 tấn cá, do vậy khi hàng đã thu mua nhưng không thể xuất khẩu cũng không có kho đông lạnh để bảo quản.

Nhiều tháng nay cá thu mua của ngư dân đi biển vận chuyển từ Quảng Bình ra cửa khẩu các tỉnh phía Bắc không thể xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ lâm vào cảnh phá sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải sản không thể xuất khẩu nhiều doanh nghiệp tại Quảng Bình lao đao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO