Hải Phòng: Khảo sát thực địa Bãi cọc Đầm Thượng

Phạm Duy| 14/06/2020 15:58

(TN&MT) - Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đã tổ chức khảo sát thực tế tại bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) vào chiều 13/6. Tham gia khảo sát thực tế có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Trần Thành; TS. Nguyễn Gia Đối, Viện trưởng Viện Khảo cổ và các chuyên gia đầu ngành của Trung ương và thành phố.

Hai bãi cọc tại xã Lại Xuân được phát lộ và khai quật từ tháng 2/2020. Đây là khu vực thuộc diện tích đầm của hộ ông Đào Văn Đến và ông Bùi Văn Hay tại thôn Phi Liệt, xóm Đầm Thượng, xã Lại Xuân. 

Bước đầu khảo sát, các nhà địa chất khai quật được khoảng 30 cọc. Theo đánh giá của các nhà khoa học, các cọc có điểm khác lạ, giống như cột buồm. 2 bãi cọc giống nhau về địa tầng nhưng khác nhau về địa hình: Về phía mép sông thì cọc to hơn, cọc to nhất có độ dài gần 3m và đường kính khoảng 30cm, phía gần thì cọc nhỏ hơn. Các nhà khoa học nhận định ban đầu các cọc này phục vụ cho mục đích quân sự.

Cuộc khảo sát thực tế là cơ sở để các nhà khoa học báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp di tích Đầm Thượng. Trên cơ sở đó, đoàn khảo sát đề nghị thành phố sẽ tiếp tục khoanh vùng, đánh giá công năng của các cọc này, để đưa ra các biện pháp khai quật, bảo vệ, bảo tồn các giá trị về văn hóa lịch sử của bãi cọc.

Các Nhà khoa học Khảo sát thực địa Bãi cọc Đầm Thượng, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Trước đó, ngày 3/5 Hải Phòng đã khởi công Dự án khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ với số vốn đầu tư gần 430 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án có 2 hợp phần gồm tuyến đường dẫn vào khu bãi cọc và khu bảo tồn bãi cọc. Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ dài gần 4 km, rộng18-22m, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; trong đó mặt đường rộng 12 m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5 m...

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có tổng diện tích khoảng 30.680 m2, bao gồm hệ thống tường bao tổng chiều dài 724 m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật - cọc gỗ có diện tích 360 m2; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000 m2...

Dự án sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Khảo sát thực địa Bãi cọc Đầm Thượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO