Môi trường

Hải Phòng khắc phục hậu quả bão số 3: Cành cây sau bão cũng là tài nguyên

Hoàng Phong - Ngọc Trâm 17/09/2024 - 14:22

(TN&MT) - Sau cơn bão số 3 (Yagi), thành phố Hải Phòng ngập trong rác thải và cây xanh gẫy đổ. Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng Phạm Văn Thuấn cho biết, thành phố áp dụng triệt để phân tách rác với cây xanh gẫy đổ để thực hiện tái chế. Theo ông Thuấn, cành cây gẫy đổ cũng là tài nguyên.

1.-nhan-vien-cong-ty-tnhh-mtv-moi-truong-do-thi-hai-phong-thu-don-cay-do-tren-cac-tuyen-duong..png
Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu dọn cây đổ trên các tuyến đường.

Triệt để dựng lại cây xanh

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố Hải Phòng, rất nhiều cây xanh bị bật gốc, bị gãy sát gốc, phạt ngang thân hoặc gẫy cành. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tổng số lượng cây xanh bị gãy đổ, ảnh hưởng cơn bão số 3 trên địa bàn các quận khoảng 22.030 cây, trong đó: các quận Hải An, Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng khoảng 16.340/31.000 cây; cây xanh đường phố bị đổ bật gốc khoảng 2.510 cây; cây xanh đường phố bị gẫy thân, gẫy gốc khoảng 1.720 cây; cây xanh đường phố bị gẫy cành đường kính >15cm khoảng 5.970 cây; cây xanh bóng mát trong các vườn hoa công viên, dải phân cách, nút giao thông bị ảnh hưởng do bão khoảng 6.140 cây.

Các quận Đồ Sơn, Dương Kinh khoảng 4.290/12.000 cây. Quận Kiến An khoảng 1.400/8.000 cây, trong đó, cây bóng mát gãy, đổ khoảng 940 cây; cây bóng mát đổ nghiêng khoảng 460 cây.

UBND TP Hải Phòng thống kê đến ngày 14/9 bão Yagi gây thiệt hại khoảng 10.820 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nhất, gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hơn 35.000 ha (tương đương 2.800 tỷ đồng), tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 3.300 ha (450 tỷ đồng), chăn nuôi ước thiệt hại 460 tỷ đồng, thủy lợi 61 tỷ đồng, thủy sản 1.160 tỷ đồng.

img_2756.jpg
Tổng số lượng cây xanh bị gãy đổ, ảnh hưởng cơn bão số 3 tại Hải Phòng khoảng 22.030 cây.
Ảnh: Ngọc Trâm
img_2924.jpg
img_2879.jpg
img_2871.jpg
img_2947.jpg
img_2974.jpg
img_2985.jpg
img_3038.jpg
img_3067.jpg

Trong công tác xử lý cây xanh gẫy đổ sau bão, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tại phiên chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc thu gom, dựng lại cây xanh bị gãy, đổ sau bão số 3 trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Công ty CP Công viên cây xanh, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng đã rất thận trọng trong việc thăm khám tình trạng sống của cây để có hướng xử lý.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Công viên cây xanh Hải Phòng nhanh chóng trồng lại các cây xanh bị đổ; thực hiện cắt tỉa cành, tán cân đối, phù hợp để tận dụng tối đa trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Chủ tịch lưu ý cần thiết mời các chuyên gia để có kết luận chính xác; triệt để dựng lại cây xanh thay vì cắt bỏ.

Dự kiến đến hết tháng 9/2024, thành phố Hải Phòng sẽ hoàn thành toàn bộ công tác trồng dựng, cắt tỉa, chống cọc hệ thống cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng, bật gốc. Trong đó sẽ ưu tiên trồng dựng những cây bị bật gốc đảm bảo hoàn thành trước 20/9/2024.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, đồng thời, với phương châm hạn chế tối đa biến tài nguyên thành rác trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, ngành TN&MT thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng và các công ty duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn có sự phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Công viên cây xanh nghiêm túc kiểm tra. Đối với cây chỉ bật gốc nằm trong sự quản lý, xử lý của Công ty cây xanh; đối với cây bị gẫy đổ nặng, phải đánh giá sát phần trăm sống của cây. Trường hợp không thể cứu vãn được mới triển khai chặt bỏ, thu gom, xử lý.

Tính đến trưa ngày 11/9/2024, đã khắc phục cắt cành và trồng dựng lại được tổng số 6.315 cây, trong đó, khu vực 4 quận trung tâm thành phố là 4.905 cây; khu vực quận Đồ Sơn, Dương Kinh 730 cây; khu vực quận Kiến An 680 cây. Dự kiến đến hết tháng 9/2024, sẽ hoàn thành toàn bộ công tác trồng dựng, cắt tỉa, chống cọc hệ thống cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng, bật gốc. Trong đó sẽ ưu tiên trồng dựng những cây bị bật gốc đảm bảo hoàn thành trước 20/9/2024.

z5836901293861_6161ba0ca776c4fc81aabb42ebea683d.jpg
Dây chuyền xử lý rác cồng kềnh tại Khu liên hợp Quản lý và xử lý chất thải Tràng Cát

Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tái chế từ cây xanh gãy đổ

Ghi nhận tại con đường dẫn vào Xí nghiệp dịch vụ môi trường thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát trong các ngày 13 và 14/9, có rất nhiều chuyến xe tải nối đuôi nhau chở rác sau thu gom về khu xử lý rác thải. Trên các xe, rác thải sinh hoạt và cành cây gẫy đổ do bão được chở riêng.

Theo như trao đổi của Trưởng ban Truyền thông Công ty TNHH Môi trường đô thị Hải Phòng Phạm Thanh Hà, Công ty đã truyền thông đến các lực lượng khắc phục môi trường sau bão cũng như bà con nhân dân về việc thực hiện chủ trương của Thành phố và Sở TN&MT Hải Phòng, triệt để phân loại rác và cành cây gẫy đổ riêng để đơn vị môi trường thuận lợi trong thu gom. Từ đó, Công ty đã triển khai phân tuyến thu gom, vì vậy, không có tình trạng rác sau khi phân tách bị gom chung vào 1 xe.

z5836901445815_6f5712890095d87847d9cfbd031e9e56.jpg

Ông Phạm Thanh Hà cũng cho biết thêm, trước yêu cầu thu gom rác sau bão, đơn vị đã huy động khoảng 50 xe thuê ngoài, nâng tổng số xe phục vụ thu dọn rác lên 160 xe. Rác cành lá cây được chở bằng xe tải bàn, xe ben, che thùng chở hàng. Rác sinh hoạt được chở bằng xe ép cuốn - chuyên dụng hằng ngày. Việc phân tuyến này đã tạo thuận lợi cho công tác xử lý, tái chế rác là cành cây gẫy đổ do bão.

Rác cành, cây sau khi đưa về tập kết tại Nhà máy tiếp tục được cưa, chặt, phân theo kích thước, chủng loại (cành, lá). Các cành nhánh nhỏ và lá được đưa vào máy xay nhỏ rồi ủ với men vi sinh cho ra phân bón hữu cơ thân thiện môi trường. Thân, cành lớn được đưa vào máy bào sau đó chế biến trở lại thành chất đốt.

6a6822470425a27bfb34.jpg
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom các cành cây sau bão để xử lý

Theo các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón của Viện Nông hóa thổ nhưỡng Việt Nam, phân bón hóa học hiện nay không được thế giới khuyến khích, vì về lâu dài sẽ gây nhiều tổn hại cho đất. Vì vậy, việc sử dụng phân bón từ rác cây xanh để bù đắp, bổ sung lại chất dinh dưỡng cho đất, giữ đất màu mỡ lâu dài, nhất là cây xanh đô thị đa phần là cây sạch, không nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất là giải pháp tối ưu, vừa có lợi cho môi trường, vừa tránh việc lãng phí tài nguyên khi chôn lấp hoặc đốt, giảm áp lực đất sử dụng cho chôn lấp.

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo TN&MT ngày 13/9, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng Phạm Văn Thuấn cho biết: Việc tái chế, tận dụng rác cây xanh còn giáo dục cho người dân ý thức tiết kiệm tài nguyên, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tương lai từ tái chế rác cành cây còn nhiều dư địa.

Vì vậy, sau khi ổn định công tác vận hành máy móc do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Sở sẽ nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị phát triển tái chế rác là cành, lá cây. Còn trước mắt, tất cả cành cây gẫy đổ do bão số 3 đưa về tập kết tại các khu liên hợp xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH Một thành viên môi trường đô thị Hải Phòng sẽ được tái chế tối đa. “Nếu xử lý tốt thì đây là một nguồn tài nguyên rất lớn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng khắc phục hậu quả bão số 3: Cành cây sau bão cũng là tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO