Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, khu dân cư ngõ 60 Thư Trung cách gia trại lợn một bức tường cao khoảng 3m. Chuồng trại thô sơ, lạc hậu, có phần xập xệ, xây dựng từ rất lâu. Toàn bộ nước thải từ hoạt động chăn nuôi đều được xả thẳng ra ao bèo bên cạnh. Nước thải của gia trại lợn này luôn bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực…
Cơ sở nuôi lợn này của ông Nguyễn Mạnh Hùng, trú tại địa chỉ 21/24 Lực Hành - Đằng Lâm. Được biết, qua nhiều lần các đoàn kiểm tra cấp phường, quận xuống kiểm tra nhưng hộ ông Hùng đều không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại khu vực chăn nuôi.
Toàn bộ nước thải từ hoạt động chăn nuôi đều được xả thẳng ra ao bèo bên cạnh.
|
Những ô cửa luôn đóng
Theo lời kể của các hộ dân, năm 2018 sau trận mưa to, gây ngập lụt cả ngõ, phân lợn lênh láng khắp ngõ, chảy đầy sang nhà dân… họ đã bắt đầu kiến nghị từ lúc đó nhưng việc giải quyết vẫn không đâu vào đâu. Thậm chí đã kéo cả người già và trẻ nhỏ lên quận kiến nghị nhưng gia trại này vẫn tồn tại thách thức dư luận. Cứ người dân có đơn kiến nghị thì chủ cơ sở lại gọi người đến bán vợi lợn đi, xong 1,2 tháng lại lén lút nuôi tiếp, tái đàn đến hết năm này sang năm khác.
Ông N.T.N cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần góp ý với ông Hùng và khuyên gia đình ông chuyển sang trồng rau hay nuôi thả cá nhưng gia đình không chấp nhận. Thời gian đầu, chúng tôi còn bàn nhau 30 hộ trong ngõ mỗi hộ nộp 1 triệu đồng để đưa cho gia đình ông Hùng, mong gia đình ông ta không nuôi nữa... nhưng việc “thương lượng” không thành. Góp ý nhiều, gia đình ông Hùng lại chửi bới sang khu dân cư nhiều hơn, rồi lại tiếp tục nuôi".
Một người dân khác chia sẻ: "Môi trường sống ngày càng ô nhiễm, đặc biệt những ngày hanh khô, nắng nóng, mùi hôi thối càng nồng nặc, không thể chịu nổi. Khu dân chúng tôi những ô cửa sổ, ban công tầng 2 không bao giờ mở.
Chúng tôi nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên các cấp. Sau mỗi lần kiến nghị đều có họp giải quyết, chủ cơ sở đều hứa hẹn “Chăn nuôi sẽ không ảnh hưởng tới khu dân cư, sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường...”, cho đến nay, sự việc vẫn không thay đổi, 30 hộ gia đình với gần 100 nhân khẩu đành chịu thua mười mấy con lợn".
Người dân ngõ 60 Thư Trung còn căng cả băng rôn, kéo cả người già và trẻ nhỏ lên quận Hải An để kiến nghị. |
Được biết, ngày 10/4/2019, UBND phường Đằng Lâm đã yêu cầu hộ bà Hoàng Thị Dương (vợ ông Hùng) sau 3 tháng kể từ ngày làm việc (18/3/2019), hộ bà Dương không được chăn nuôi lợn, không được tái đàn, phải chuyển đổi mô hình nuôi lợn sang mô hình khác. Nếu hộ bà Dương không thực hiện theo như nội dung đã cam kết thì UBND phường sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật...
Tiếp đó, ngày 11/7/2019, tại biên bản làm việc có các đại diện tham gia là UBND phường Đằng Lâm, Phòng TNMT quận Hải An, Công an quận..., các đại biểu tham gia cuộc họp đã đi đến thống nhất mời cơ quan Cảnh sát môi trường xuống kiểm tra, khảo sát, đánh giá về môi trường và căn cứ vào kết quả kết luận của Cảnh sát môi trường đề nghị các phòng ban chuyên môn hướng dẫn UBND phường hoàn thiện hồ sơ xử lý dứt điểm cơ sở chăn nuôi của hộ ông Hùng (bà Dương)...
Đâu là gốc của vấn đề?
Trao đổi với phóng viên, một vị lãnh đạo UBND phường Đằng Lâm cho biết: “Những giải pháp lập biên bản xử lý theo kiến nghị của người dân chỉ là tình thế, ô nhiễm là rất rõ nhưng câu chuyện ở đây không chỉ là mười mấy con lợn hay một gia trại lợn … mà là chuyện kế sinh nhai của người dân. Gia đình ông Hùng chỉ biết làm nông nghiệp, chăn lợn để nuôi sống 4 miệng ăn, như vậy nếu kêu họ dừng nuôi lợn khác gì hất đi bát cơm của họ.
Để sự việc một hộ dân nuôi lợn trong khu dân cư đô thị, cái gốc ở Quy hoạch và Thực hiện quy hoạch. Hiện tại gia đình ông Hùng có khoảng 100 m2 đất thổ cư và gần 2000m2 đất nông nghiệp đã được giao từ lâu. Năm 2005, khu vực này gần 3 H.a được quy hoạch đất cây xanh, nhưng cho đến nay không được thực hiện. Vậy nếu Thành phố có kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp, khu đất được thực hiện đúng quy hoạch thì chắc sẽ không có sự việc trên”, vị này quả quyết.
Mới đây, chiều 24/3/2020, tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP Hải Phòng, đại diện các hộ dân trong ngõ 60 Thư Trung đã kiến nghị tới Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về tình trạng ô nhiễm môi trường từ gia trại trên. Sau khi nghe kiến nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Đình Chuyến cho biết sẽ chủ trì cuộc họp trong tuần tới để giải quyết các kiến nghị triệt để theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ban Tiếp công dân mời các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan dự họp để báo cáo, đề xuất phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.