Văn phòng UBND TP Hải Phòng vừa có công văn số 204 ngày 01/04/2021 về việc xử lý thông tin phản ánh hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ tại khúc sông chảy qua làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh, phường Tràng Minh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Văn bản 204 nêu rõ: Ngày 29/03/2021, Văn phòng UBND thành phố nhận được Công văn số 935/STNMT-CCBVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường về xử lý thông tin phản ánh hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước sông Đa Độ.
Thực hiện quy chế làm việc của UBND thành phố Hải Phòng, Văn phòng UBND thành phố chuyển 3 đơn vị, gồm: UBND quận Kiến An, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đa Độ vào cuộc, xác minh, xử lý nghiêm đối với hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ.
Làng nghề tái chế phế liệu phường Tràng Minh ra đời từ những năm 1980 hoạt động thu gom, sơ chế, mua bán các loại phế liệu như: nilon, bao nhựa, chai nhựa, đồng, nhôm, sắt… |
Khu vực đốt trộm chất thải nguy hại ngay sát bờ sông Đa Độ |
Trước đó, ngày 23/03/2021, Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải bài viết "Làng nghề đầu độc sông Đa Độ: Bao giờ mới được quan tâm xử lý?”, phản ánh hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường tại phường Tràng Minh, quận Kiến An.
Bài viết đăng tải đã thu hút một lượng lớn độc giả quan tâm, lo lắng, bởi hoạt động của làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh vẫn đang âm thầm ngày đêm “đầu độc” nguồn nước sông Đa Độ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân thành phố nếu các lực lượng chức năng không quyết tâm vào cuộc.
Sông Đa Độ là nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước sạch của thành phố Hải Phòng, từ lâu đã bị làng nghề phế liệu Tràng Minh ‘đầu độc’, đã nhiều lần báo chí phản ảnh, nhưng đến nay mọi việc “vẫn đâu đóng đấy”.
Tuyến sông Đa Độ tại TP Hải Phòng có chiều dài gần 50km, chảy qua 5 quận, huyện khác nhau, là nguồn cung cấp nước cho các nhà máy nước sạch của thành phố như: Nhà máy nước Cầu Nguyệt, Sông He (công suất 80.000m3/ngày đêm); Nhà máy nước thô cho Khu công nghiệp Đình Vũ (công suất 20.000 m3/ngày đêm); Nhà máy nước Hưng Đạo, quận Dương Kinh (công suất 130.000 m3/ngày đêm) và 35 nhà máy nước sạch nông thôn khác. Khúc chảy qua phường Tràng Minh, quận Kiến An, con sông này bị làng nghề nhựa phế liệu ‘đầu độc’ 40 năm nay.
Những chất thải nguy hại, không còn giá trị sử dụng, được một số hộ dân phường Tràng Minh chuyển đến bờ sông Đa Độ. Tại đây, các chất thải như: nhựa vỏ ti vi, lõi ác quy, bảng mạch điện tử, vỏ dây điện … được chất đống chờ xử lý vào ban đêm bằng phương pháp đốt. Chất thải cháy âm ỉ suốt đêm. Khi đốt, các chất thải nguy hại này sẽ tạo ra nhiều loại khí độc ‘tra tấn’ người dân xung quanh. Những gì còn lại sau khi đốt sẽ được đổ trực tiếp hoặc gián tiếp bởi những cơn mưa ra dòng sông Đa Độ.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cũng đã có văn bản đề nghị UBND quận Kiến An khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung bài báo phản ánh về hoạt động gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định (nếu có), trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND thành phố.
Đây không phải là lần đầu tiên Báo Tài nguyên và Môi trường phản ảnh việc ô nhiễm ra sông Đa Độ bởi làng nghề phế liệu phường Tràng Minh, UBND TP Hải Phòng cũng đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý, đến nay tình trạng vẫn không chuyển biến.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.