Hải Dương tiếp tục bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

27/04/2019 11:18

(TN&MT) - Đến ngày 26/4dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã bùng phát ra 85% số xã, phường, thị trấn trong 12/12 huyện, thành phố. Dịch bệnh xảy ra ở 8.177 hộ có lợn ốm chết, buộc phải tiêu hủy 99.029 con với tổng trọng lượng 6.296.343 kg.

Dịch bệnh bùng phát tốc độ cao

Với sự ra quân quyết liệt của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương, song không thể ngăn được nạn dịch tả lợn Châu Phi. Ngày 1/3/2019, xã Hiến Thành (huyện Kinh Môn) là xã đầu tiên công bố có dịch tả lợn Châu Phi, sau không đầy 2 tháng dịch đã bùng phát ra 225 xã, phường, thị trấn. Trong mấy ngày gần đây, dịch bệnh bùng phát quá nhanh, khó kiểm soát.

HD 1
Vận chuyển lợn đi chôn lấp

Chỉ tính từ ngày 22 đến ngày 26/4 đã có 27 xã công bố có dịch. Cũng trong 4 ngày đó, số lượng lợn chết, lợn bệnh phải tiêu hủy trong toàn tỉnh tới 44.568 con, bằng 81,8% tổng số lợn chết, lợn phải tiêu hủy trước đó. Nhiều địa phương, dịch bệnh đã tái đi tái lại. Những huyện có dịch bệnh xuất hiện muộn hơn nhưng tốc độ lây lan nhanh hơn và không kiểm soát nổi. Huyện Nam Sách là huyện sau cùng phát hiện dịch, chỉ hơn chục ngày, 100% số xã thị trấn đều có dịch. Các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng có dịch muộn, nhưng tất cả các xã, thị trấn đều có dịch bệnh. Đến nay nhiều huyệndịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát hầu như khắp các xã. Các huyện có tỷ lệ dịch bệnh cao là: huyện Ninh Giang có 28/28 xã, thị trấn có dịch; Nam Sách 19/19 xã, thị trấn; Cẩm Giàng 19/19 xã, thị trấn; Bình Giang 18/18 xã, thị trấn; Tứ Kỳ có 26/27 xã, thị trấn; Gia Lộc 22/23 xã; Kim Thành 19/21 xã, Thanh Hà 23/25 xã; Thanh Miện 18/19 xã. Người dân và các chủ trang trại nuôi lợn ở Hải Dương bị thiệt hại nặng và là đợt dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay.

HD 2
Biết lợn bị bệnh, gia chủ đem cả đàn lợn còn sống bỏ ra vệ đường

Huyện Ninh Giang là một trong các huyện có dịch bệnh sớm và bị thiệt hại nặng với tổng số lợn phải tiêu hủy là 17.048 con với trọng lượng 979.839 kg. Huyện Bình giang không phải là huyện lớn nhưng dịch bệnh bùng phát diện rộng, số lợn phải tiêu hủy là 16.968 con, với tổng trọng lượng 955.154 kg. Trong những ngày này, trời nắng nóng, dịch bệnh càng phát triển mạnh.

Không để ô nhiễm môi trường

Suốt 2 tháng qua, Chi cục Thú y Hải Dương, các huyện, thành phố đều dồn sức khống chế, dậpdịch tả lợn Châu Phi. Với tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy trên 6 triệu kg, với hàng trăm hố chôn lấp. Hầu hết các địa phương thực hiện đúng quy trình chôn lấp khử trùng, bảo đảm vệ sinh cả điểm chôn lấp và nơi xảy ra dịch bệnh. Các huyện, thành phố đã chi hàng chục tỷ đồng mua thuốc tiêu độc, khử trùng phun ở các vùng dịch;cấp quần áo bảo hộ cho các xã, phường, thị trấn để phòng dịch. Tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo huyện, thành phố và các xã, thị trấn, các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch, hướng dẫn các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch đang lan rộng.

HD 3
Điểm chôn lấp lợn bệnh không đúng quy định ở xã Hồng Phong, huyện Nam Sách

Tuy nhiên đã có những điểm chôn lấp lợn bệnh không tuân thủ đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc với người dân. Đó làxã Hồng Phong (huyện Nam Sách), người đi đường bức xúc vì nhiều hố tiêu huỷ lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Cụ thể, ở khu vực ven quốc lộ 37, đoạn qua thôn Phù Liễn có 3 hố tiêu huỷ lợn nằm liền nhau. Các hố này đều không được chôn lấp đúng kỹ thuật, không rắc vôi bột để khử trùng khu vực xung quanh hố và phía trên sau khi chôn lấp. Nước từ hố chôn rỉ ra khu vực ruộng lân cận bốc mùi hôi thối. Bức xúc hơn nữa, có cả xác lợn chết đang trong quá trình phân huỷ bị vứt cạnh đường đi, ruồi nhặng bu kín, khiến mầm bệnh dễ phát tán, lây lan ra khu vực xung quanh. Virus tả lợn Châu Phi tồn tại trong môi trường tự nhiên khá lâu, dễ lây lan cho đàn lợn từ nhiều nguồn. Hay ở khu vực xã Thượng Đạt, TP Hải Dương, biết lợn bị bệnh, gia chủ đem cả đàn lợn còn sống bỏ ra vệ đường, người khác đã bắt đi tiêu thụ. Đây cũng là nguồn lây bệnh dịch khi người nuôi thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, virus tả lợn Châu Phi rất nhạy cảm với đàn lợn nái. Thực tế cho thấy tại hầu hết các trang trại bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, virus này thường được phát hiện đầu tiên ở lợn nái, sau đó lây lan ra toàn bộ đàn lợn trong trang trại. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải tập trung ưu tiên bảo vệ đàn lợn giống, bởi nếu không thời gian tới sẽ không có đủ giống để tái đàn. Tập trung dập dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ đàn lợn giống đang là những nhiệm vụ cấp bách của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương tiếp tục bùng phát dịch tả lợn Châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO