Coi thường bảo vệ môi trường?
Đến Khu phố Hồng Hà, thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành (Hải Dương), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh, bức xúc của người dân về các cơ sở tái chế nhựa phế thải. thường xuyên tra tấn sinh hoạt của các hộ gia đình, bởi mùi khó chịu, nước thải chưa qua xử lý đổ ra môi trường.
Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường, hộ ông Lưu Văn Tuyên thuê lại 2 nhà xưởng, tổng diện tích khoảng 1.200 m2 của Công ty TNHH Phú Minh để hoạt động tái chế nhựa phế thải. Cơ sở có 2 dây chuyền hoạt động tái chế nhựa với các công đoạn giặt, băm, rửa, tạo hạt. Mặc dù có đề án Bảo vệ môi trường, nhưng nước thải sản xuất phát sinh trong quá trình giặt, rửa phế liệu chỉ được xử lý qua bể lắng trước khi xả ra môi trường. Cơ sở này chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, chưa phân tách hệ thống thu thoát nước thải, với hệ thống thoát nước mặt. Khí thải phát sinh từ công đoạn đốt lưới chưa được xử lý. Cơ sở không xây dựng lò đốt, nên hoạt động đốt lưới được thực hiện trong khuôn viên, không có biện pháp xử lý khí thải trước khi xả ra môi trường. Chất thải rắn phát sinh chưa được chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý. Bùn từ các bể lắng được đổ tại khu đất trống tại bể lắng, gần mương thoát nước của khu dân cư. Đặc biệt, cơ sở không thực hiện quan trắc; giám sát môi trường, không nộp phí Bảo vệ môi trường với nước thải, không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không báo cáo định kỳ quản lý chất thải nguy hại…
Nhiều năm qua, người dân xã Tân Hồng và một số địa phương của huyện Bình Giang cũng thường xuyên chịu khổ vì hoạt động của nhiều cơ sở tái chế nhựa phế thải nằm trong Cụm công nghiệp Tân Hồng. Theo phản ánh của người dân, Cụm công nghiệp Tân Hồng có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh như tái chế nhựa, sản xuất máy nông nghiệp, may mặc, chế biến gỗ… Trong đó, một số cơ sở hoạt động tái chế nhựa phế thải: Công ty TNHH Lục Nam, Công ty CP Tiến Long, Công ty CP Xuất nhập khẩu & Thương mại Quang Anh, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Quốc Pháp và hộ ông Nguyễn Văn Tuấn. Thời gian qua, người dân trên địa bàn thường xuyên phát hiện các cơ sở này xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Mặc dù, Sở Tài nguyên & Môi trường nhiều lần xử phạt, yêu cầu khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác Bảo vệ môi trường nhưng việc khắc phục của các doanh nghiệp này rất chậm trễ.
Cuối tháng 4/2018, Chi cục Bảo vệ môi trường đã có văn bản gửi các cơ sở trên, yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác Bảo vệ môi trường, như: Chưa báo cáo kế hoạch vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải, xả nước thải chưa qua xử lý ra mương thoát nước chung của Cụm công nghiệp, chưa báo cáo kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường, chưa báo cáo hoàn thành các công trình Bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành của dự án…
Cần xử lý kiên quyết
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các cơ sở tái chế nhựa phế thải, đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân... Thế nhưng, những cơ sở này vẫn tồn tại, bất chấp những hậu quả gây ra đối với môi trường và cuộc sống của người dân. Đặc biệt, nhiều chủ của các cơ sở tái chế nhựa phế thải, bất chấp những quy định của pháp luật, cố tình hoạt động khi chưa đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định.
Mức xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe là nguyên nhân chính của tình trạng này - Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Dương, cho biết: Không thể thống kê hết các cơ sở tái chế nhựa phế thải trên địa bàn tỉnh. Ngoài những cơ sở được chấp thuận của chính quyền địa phương, nhiều cơ sở hoạt động trái phép dưới hình thức thuê lại đất, nhà xưởng của các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Khi có ý kiến của người dân địa phương, chính quyền địa phương mới phát hiện ra. Nhiều cơ sở bị cấm ở địa phương này, lại mang máy móc, thiết bị "chạy" đến địa phương khác để hoạt động. Vì vậy, việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chuyên môn gặp không ít khó khăn. Phần lớn, nguyên liệu của các cơ sở tái chế nhựa phế thải, đều nhập khẩu hoặc đưa từ địa phương khác đến. Tất cả các công đoạn gây ô nhiễm môi trường như giặt, băm, rửa, tạo hạt đều thực hiện trên địa bàn Hải Dương. Hiệu quả kinh tế, đóng góp cho địa phương không nhiều, trong khi hậu quả về môi trường lại rất lớn.
Theo ông Vũ Đình Hiền, hoạt động của các cơ sở tái chế nhựa phế thải đã bị hạn chế ở nhiều địa phương trong cả nước. Để hạn chế tình trạng này, UBND tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn siết chặt việc cấp phép hoạt động cho các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó có hoạt động tái chế nhựa phế thải. Cần kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cho thuê lại nhà xưởng để hoạt động tái chế nhựa phế liệu. Thu hồi giấy phép đầu tư, đưa doanh nghiệp khỏi địa bàn nếu không chấp hành nghiêm các quy định Bảo vệ môi trường.