Đó là những gì đang diễn ra đối với bà con tiểu thương tại chợ Giống, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, khi mới đây họ bị buộc phải chuyển sang kinh doanh tại khu chợ mới do tư nhân xây dựng và quản lý (với giá 120 triệu đồng cho một ki-ốt có diện tích 7m2) mà lý do theo ông Nguyễn Danh Mậu - Chủ tịch UBND xã là để đạt mục tiêu xây dựng Nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.
Bà con tiểu thương bức xúc, chia sẻ với PV về việc bị buộc phải rời chợ Giống sang chợ mới do tư nhân làm chủ |
Tương lai u ám
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới đã và đang diễn ra thành công ở rất nhiều địa phương, bước đầu đem lại những kết quả tích cực.
Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, thì tiêu chí số 7 về “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” (chợ nông thôn) có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao thương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới bền vững.
Đối với chợ nông thôn mới, đối tượng mục tiêu được hưởng lợi trước hết phải là những hộ kinh doanh trực tiếp buôn bán tại đây. Thế nhưng tinh thần chủ đạo của quyết sách trên dường như không đúng với những gì đang diễn ra của gần 100 bà con tiểu thương tại chợ Giống, xã Cổ Dũng huyện Kim Thành. Vốn dĩ đã quá đã mệt mỏi sau một năm chống chọi, mưu sinh để tồn tại trong đại dịch Covid 19, những tưởng được đón một cái tết đầm ấm bên gia đình, thì giờ đây, trước mắt họ là cả một bầu trời u ám, một tương lai ảm đạm.
Được biết, năm 2014, chính ngôi chợ này là 1 trong 19 tiêu chí để xã Cổ Dũng được công nhận về đích Nông thôn mới. Nhưng khoảng 3 tuần nay, hàng chục bà con tiểu thương căng băng rôn, lều bạt, cắt cử thay phiên nhau ăn nghỉ tại chợ để phản đối việc chính quyền xã Cổ Dũng đóng cửa chợ, thanh lý hợp đồng thuê ki-ốt, buộc bà con tiểu thương di chuyển sang khu vực chợ mới.
Năm 2017, UBND Huyện Kim Thành và UBND Xã Cổ Dũng đã trình lên UBND Tỉnh Hải Dương về việc xây dựng chợ Giống mới thuộc Dự án khu chợ, dịch vụ thương mại xã Cổ Dũng, trên diện tích 13.800m2.
Theo bà Hạnh, một tiểu thương tại chợ cho biết: “Bà con tiểu thương chúng tôi vô cùng bức xúc trước cách làm của chính quyền Xã. Chợ này là chợ dân sinh, được thành lập từ những năm 90, đến năm 2014 xã Cổ Dũng đạt chuẩn Nông thôn mới và chợ giống cũ còn là 1 trong 19 tiêu chí để được công nhận. Tất cả bà con đang buôn bán, kinh doanh bình thường, vậy tại sao giờ lại bắt chúng tôi phải chuyển sang chợ mới của tư nhân?”
Cũng theo bà Hạnh, với sức mua và hoạt động giao thương hiện tại, ngôi chợ (chợ Giống cũ) còn dư diện tích, đủ đáp ứng cho cả Xã, không cần thiết phải xây chợ mới để làm gì. Đang là chợ dân sinh của Xã quản lý, nay xây chợ mới do tư nhân làm chủ, để được quyền vào đó kinh doanh, bà và các tiểu thương khác phải chấp nhận bỏ ra 120 triệu/gian hàng (7m2), chưa kể đến phí chợ hàng tháng cũng cao. Điều đó nằm ngoài khả năng kinh tế, chẳng khác nào “bức tử” những tiểu thương như bà, vốn dĩ việc buôn bán “èo uột” chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn trong gia đình.
Cùng cảnh ngộ như bà Hạnh, nhiều tiểu thương khác trong chợ cũng vô cùng bức xúc trước việc, nhiều quyết sách quan trọng của chính quyền xã không được thông tin minh bạch trước nhân dân. Mặc dù dự án khu chợ, dịch vụ thương mại xã Cổ Dũng (chợ Giống mới) được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận, phê duyệt triển khai xây dựng từ năm 2017 nhưng theo các tiểu thương họ hoàn toàn mập mờ về thông tin này.
Bà Nga, một tiểu thương kinh doanh quần áo chia sẻ: “Trước đây bà con có nghe các bác ở Xã nói là sắp tới xã có chủ trương chuyển chợ cho bà con, mỗi ki-ốt 10m2, sang đấy sẽ thoáng đãng, sạch sẽ hơn. Bà con ai cũng phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ bởi nghĩ đây là chủ trương của Xã, nên mọi người cũng lên đấy đăng kí và đặt cọc tiền. Nhưng đến khi sang chợ Giống mới, bà con mới “trật lất” ra là chợ của tư nhân, mà diện tích mỗi ki-ốt tính ra không đến 7m2”.
Theo nội dung đơn phản ảnh của nhiều tiểu thương, họ phải trả số tiền 120 triệu đồng cho 1 ki-ốt khi chuyển sang dự án chợ mới. Nhiều hộ kinh doanh đã đặt cọc số tiền 40-50 triệu đồng mà không hề hay biết đây là chợ tư nhân.
“Ban đầu họ gọi bà con lên chào bán với giá 14 triệu đồng/m2, nhưng sau đó lại giảm xuống còn 12 triệu/m2 ki-ốt, tại sao lại có chuyện mỗi lúc một giá khác nhau. Mức giá thuê ki-ốt như vậy là quá cao đối bà con chúng tôi. Dịch covid-19 bùng phát, đời sống của bà con tiểu thương đã vô cùng khó khăn, hiện nay nhiều chủ ki-ốt chỉ bán mớ rau, con cá để kiếm đồng qua ngày. Nay lại bắt chúng tôi phải sang khu chợ mới với giá cao ngất ngưởng, thì chúng tôi lấy gì để nuôi sống gia đình. Đúng ra, khi có chủ trương chuyển chợ, chính quyền xã phải có cuộc họp với bà con, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân ”, bà Nga bức xúc.
Chợ nông thôn mới dành cho ai?
Trước bức xúc của bà con tiểu thương, để rộng đường dư luận, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ với ông Nguyễn Danh Mậu, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng, vị này cho biết: Năm 2006, UBND xã đã ký hợp đồng về việc giao khoán thu phí và lệ phí chợ cho Ban quản lý chợ. Chính quyền địa phương đã thực hiện kết luận của UBND tỉnh, theo đó, đến hết ngày 31/12/2020, khi hết hợp đồng thuê khoán chợ cũ, chính quyền xã đã cho đóng cửa chợ, dừng mọi hoạt động, để quy hoạch đất chợ cũ thành đất văn hóa thể thao theo các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Xã đã tiến hành vận động bà con di rời sang khu vực chợ mới nhưng có một số tiểu thương không đồng thuận.
“Xã Cổ Dũng phấn đấu xây dựng Nông thôn mới nâng cao năm nay, nên chợ cũ, về quy mô, diện tích và nhiều điều kiện khác không đảm bảo” , ông Mậu cho hay
Trước băn khoăn về thu phí tại chợ mới của tư nhân sẽ cao hơn, nằm ngoài khả năng chi trả của tiểu thương, vị Chủ tịch này khẳng định: Giá thuê ki-ốt tại chợ Giống mới phải được thu theo quy định của UBND tỉnh, không có việc chủ đầu tư thích tự ý thu bao nhiêu thì thu.
Thực tế thì không phải chỉ một vài tiểu thương không đồng thuận như ông Mậu nói, theo ghi nhận của phóng viên tại chợ, hầu hết các tiểu thương ở đây đều không đồng tình sang chợ mới. Mặt khác, khi được hỏi về khoản tiền 120 triệu đồng mà mỗi tiểu thương phải đóng góp để sang chợ mới (dành cho 1 ki-ốt kinh doanh rộng 7m2) thì vị Chủ tịch xã này không trả lời được.
Xây dựng chợ nông thôn mục tiêu là để góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản và nhằm thay đổi bộ mặt cho các vùng quê. Thế nhưng, nhiều năm qua không ít chợ nông thôn mới tại các địa phương trên cả nước được xây xong rồi bỏ hoang, không phát huy được hiệu quả đầu tư, gây lãng phí nguồn vốn.
Dẫu biết, việc xây dựng chợ Giống mới thuộc Dự án khu chợ, dịch vụ thương mại xã Cổ Dũng là “đúng quy trình”, nhưng thiết nghĩ, trước khi xây dựng dự án này, bà con tiêu thương phải được tham gia, đồng tình bởi vì chợ xây dành cho họ. Đằng này, chính những “người trong cuộc” lại hoàn toàn “ngỡ ngàng”, liệu có phải là cách làm hợp lý của chính quyền địa phương?, ngôi chợ này dành cho ai ?
Chủ trương dù có tốt đến đâu cũng cần có sự đồng thuận của người dân. Thiếu sự đồng thuận của chính những người trong cuộc sẽ làm dự án chợ này đi ngược lại với ý nghĩa thực sự của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới, nguy cơ một ngôi chợ nông thôn mới thiếu chủ nhân, nguy cơ nằm “đắp chiếu” là hiện hữu.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.