Thời gian qua, do lượng xe tham gia giao thông lớn, vào giờ cao điểm (đầu buổi sáng, chiều) trên tỉnh lộ 394, khi qua cầu Cậy nhỏ, hẹp thường xuyên gây ùn tắc giao thông cục bộ. Ngày 25/1, ngành giao thông vận tải Hải Dương đã tiến hành cắm biển báo, cấm xe có tổng tải trọng trên 7 tấn đi qua cầu Cậy (hàng ngày vào thời gian từ 6 giờ 30 phút - 7 giờ 30 phút và 16 giờ 30 phút – 18 giờ 30 phút). Nhưng biển báo cấm hiện nay, như vô tác dụng các xe tải trọng lớn, thậm chí cả xe container vẫn chạy qua cầu vào các giờ cấm trên. Phải chăng, nguyên nhân do chính các biển báo cấm, đang cắm theo kiểu “tréo ngoe” khó hiểu của ngành giao thông vận tải Hải Dương?
Bên biển báo cấm xe đầu cầu Cậy, ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Cậy, xã Long Xuyên, trao đổi với phóng viên: Do nhà ở ngay chân cầu nên ông Thắng, hiểu được nỗi khổ của người tham gia giao thông. Đã nhiều năm qua, vào buổi sáng, chiều tối các xe tải trọng lớn qua cầu Cậy nhiều, làm tắc đường dài hàng trăm mét, do cầu nhỏ hẹp chỉ có thể vừa cho một xe ô tô. Đây là trục đường chính, nên chủ yếu là cán bộ, công nhân ở các Công ty của Khu công nghiệp đi làm và về nhà. Nhiều hôm đường tắc từ 30 – 40 phút, về lâu dài để không còn ùn tắc, cần phải xây dựng cây cầu mới, mới đáp ứng được lượng xe qua lại đây - ông Thắng nói: Mấy ngày qua, ngành giao thông Hải Dương có cắm biển ở hai đầu cầu Cậy, nhằm hạn chế xe ôtô có tải trọng lớn qua cầu vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, nhưng không hiểu sao các loại xe bị cấm vẫn qua cầu, như trước đây khi chưa có biển báo. Có lẽ, lái xe không biết biển báo cấm qua cầu vào thời gian trên từ xa, khi đến chân cầu mới biết, nhưng không thể quay lại, do người đông, đường hẹp…
Để kiếm chứng những ý kiến phản ánh của ông Thắng, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian, mới tìm thấy biển cảnh báo cấm xe ôtô từ xa ở phía đầu cầu Cậy thuộc địa bàn xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Bởi tấm biển cấm được cắm sau đống gạch cao chất ngất, gần như bị che khuất; chẳng khác gì “đánh bẫy” lái xe, nên có thể hiểu vì sao, xe vẫn chạy đều qua cầu vào giờ cấm là lẽ đương nhiên.
Bà Nguyễn Thị Phương, thôn Cậy, xã Long Xuyên, nhà gần tấm biển báo, ý kiến: “Đến như tôi không hiểu biết gì nhiều về Luật lệ giao thông, nhưng khi thấy ngành giao thông vận tải cắm biển báo cấm các loại xe, có tổng trọng lượng trên 7 tấn qua cầu Cậy vào các giờ cao điểm, tôi thấy hết sức “phi lý” và lạ kỳ. Đáng ra, biển báo này cắm hợp lý phải được đặt trước khi đến ngã ba, cho các loại xe không được phép qua cầu, đi vào đường thị trấn Kẻ Sặt. Đằng này, họ lại cắm sau ngã ba, mà cắm lại bị đống gạch che khuất thì có “tài thánh” không nhìn thấy được. Đường thì nhỏ, hẹp nếu cánh lái xe, các loại xe: 4, 5 chân, xe kéo… họa chăng, nều có nhìn thấy biển cũng không thể quay đầu trở lại, nên họ đều chọn giải pháp coi như chưa có biển cấm qua cầu”. Những gì bà Phương nhận xét về biển báo cấm xe, quả chẳng sai bởi chỉ đứng vài phút, chúng tôi thấy hàng chục xe tải trọng lớn vẫn “mườn mợp” đi qua. Không biết do, lái xe không nhìn thấy biển báo, hay biển cắm nơi “tiến thoái, lưỡng nan” nên lái xe vẫn điều khiển xe đi qua cầu Cậy.
Tiếp tục hành trình tìm kiếm, biển cảnh báo cấm từ xa về cầu Cậy ở địa phận huyện Cẩm Giàng, cũng chẳng khác gì biển báo cấm bên địa phận huyện Bình Giang, chúng tôi phải mất nhiều thời gian mới nhìn thấy được tấm biển. Bởi tấm biển báo cấm này được cắm sau một cây rậm rạp, u tùm và cũng được cắm sau ngã ba một đoạn, nên các xe tải trọng bị cấm qua cầu Cậy vào các giờ cao điểm, nếu nhìn được biển cũng chỉ có cách quay đầu xe trở lại.
Việc cắm biển cấm xe có tổng tải trọng trên 7 tấn, của ngành giao thông vận tải tỉnh Hải Dương là giải pháp “hữu hiệu” để tránh ùn tắc trên cầu Cậy, hàng ngày vào giờ cao điểm. Nhưng trên thực tế, biển báo cấm xe được cắm như hiện nay, không những “vô tác dụng” mà còn gây phản cảm, ý kiến của người dân và đang “đánh đố” lái xe. Nguyên nhân vì sao lại có biển báo cấm xe, cắm kiểu “tréo ngoe” như vậy?
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.