Theo đơn phản ánh của người dân thôn Đông Trung: “Năm 1997, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chia đất đồi 02 cho người dân trong thôn để lấy đất trồng màu như: ngô, khoai, sắn… nhằm xóa đói giảm nghèo. Người dân trực tiếp nhận đất từ thôn, mỗi hộ được chia khoảng 180m2.
Đến năm 2010, do thời tiết khắc nghiệt thất thường, trâu bò lại thường xuyên phá hoại, người dân lại ở xa ruộng nên không tiện chăm sóc, Cán bộ thôn đã đến từng hộ động viên bà con chuyển từ trồng màu sang trồng rừng để phủ xanh đồi núi trọc theo chương trình 661. Do dự án chương trình 661 chỉ ký với chủ rừng lớn, mà các hộ tại thôn Đông Trung lại manh mún, mỗi khẩu chỉ được 180 m2. Nên lúc này các hộ đã nhượng lại cho ông Lại Thế Thương và ông Lê Văn Tỉnh để thực hiện chương trình 661 và 2 ông Lại Thế Thương và ông Lê Văn Tỉnh đã hỗ trợ cho mỗi khẩu 150.000 đồng (Một trăm năm mươi ngàn đồng) gọi là tiền hỗ trợ khai hoang chứ không phải là tiền chuyển nhượng đất màu
Năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có chủ trương cho Công ty Quyết Thắng thăm dò mỏ đá, phần diện tích đất của các hộ cho 2 ông Tính và Thương mượn năm 2012 thuộc diện tích giải phóng mặt bằng để làm khai trường. Lúc này 2 ông Tính và Thương cho rằng diện tích đất đã được 2 ông mua lại của các hộ từ năm 2012 và “trưng” ra toàn bộ Giấy từ chuyển nhượng đất màu giữa các hộ với 2 ông Tính và Thương
Tiếp xúc với chúng tôi, người dân thôn Đông Trung bức xúc nói: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, người dân chúng tôi được chia đất trồng màu, nhưng thực tế do đất đồi cao không có nước canh tác, năm 2012 bà con trong thông thống nhất cho ông Tính và ông Thương mượn đất thực hiện chương trình phủ xanh đồi núi trọc và được các ông này hỗ trợ 150.000 đồng/ khẩu gọi là công khai hoang chứ bà con không bán đất cho 2 ông ấy
“Bà con chúng tôi xin khẳng định là bà con chỉ thống nhất cho 2 ông Lại Thế Thương và ông Lê Văn Tỉnh mượn đất chứ không chuyển nhượng, mua bán gì, những chữ ký trong giấy chuyển nhượng này hoàn toàn là giả mạo. Mà nếu chuyển nhượng thật thì phải có cả vợ, chồng, con cái cùng ký vào đó chứ”. Trịnh Văn Tuấn, người đứng đơn cho bà con trong thôn khẳng định
Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, diện tích khu đất mang tên ông Lại Thế Thương, diện tích 9,28ha (thuộc lô số: 6,7,8,9,10,20,22,48,63, khoảnh 2, tiểu khu 464C) và mang tên ông Lê Văn Tính, diện tích 16,19 ha (thuộc lô số: 16,30,1,2,4,11,23,36,37,40,52, Khoảnh 2, tiểu khu 464C) thuộc đất trồng rừng theo dự án 661
Điều đáng nói: Trong khi Giấy chuyển nhượng đất màu đồi giữa 2 ông Tính và Thương với các hộ được các ông này “trưng” ra để nhận tiền đền bù được lập ra vào ngày 25/8/2012. Trong khi Hợp đồng khoán hộ trồng, chăm sóc rừng của hộ ông Lê Văn Tính ký tay ba giữa BQL rừng phòng hộ và đặc dụng Hà Trung, UBND xã Hà Bình và hộ ông Lê Văn Tính ngày 30/3/2007. Như vậy, trước đó hơn 5 năm hộ 2 ông Tính và Thương đã ký Hợp đồng với giữa BQL rừng phòng hộ và đặc dụng Hà Trung và hơn 5 năm sau 2 ông này mới có đất để thực hiện dự án???
Khi được hỏi: Giấy chuyển nhượng đất đồi màu giữa các hộ ký với ông Lại Thế Thương và ông Lê Văn Tỉnh năm 2012 có đúng và có giá trị về mặt pháp lý hay không?, thì ông Trịnh Xuân Thực, Chủ tịch UBND xã Hà Bình khẳng định: Giấy chuyển nhương này là sai, vì căn cứ theo pháp lý thì anh không có quyền để chuyển nhượng, vì đất này chia cho dân dể trồng màu. Còn chữ ký của người dân có thật hay không thì phải làm giám định mới xác định có đúng hay không
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: Vấn đề này huyện cũng đã nhận được phản ánh của người dân, huyện cũng đã chỉ đạo UBND xã Hà Bình giải quyết theo thẩm quyền
Thiết nghĩ, để làm rõ việc Giấy chuyển nhượng đất màu đồi giữa 2 ông Lại Thế Thương và ông Lê Văn Tính với người dân thôn Đông Trung thật hay giả thì chỉ cần giám chữ ký và xem xét lại Hợp đồng khoán hộ trồng, chăm sóc rừng của hộ ông Lê Văn Tính ký tay ba giữa BQL rừng phòng hộ và đặc dụng Hà Trung, UBND xã Hà Bình và hộ ông Lê Văn Tính ngày 30/3/2007. Bởi vì không có chuyện, không có đất mà vẫn ký được hợp đồng chăm sóc rừng(!?)
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này