Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử đã nhiều lần phản ánh bát nháo tình trạng khai thác đất trái phép dưới vỏ bọc chống sạt lở trên địa bàn 2 xã Hà Ninh và Hà Lâm (huyện Hà Trung). Với “lá bùa” xử lý khẩn cấp chống sạt lở, nhiều đơn vị ngang nhiên mang máy xúc, xe tải vào múc đất đi bán. Sự việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, nằm ngay tỉnh lộ 13, luôn có lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra liên tục nhưng vẫn không hề bị “nhắc nhở”.
Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nhiều ngày nay, tại khu vực núi thôn Đông Ninh, xã Hà Ninh máy múc cỡ lớn cùng hàng loạt xe hổ vồ ra vào tấp nập chở đất đi tiêu thụ, PV Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường có mặt tại điểm lấy đất. Hàng loạt xe tải vẫn đang xếp hàng vì chưa tới lượt, 2 chiếc máy xúc cỡ lớn đang cần mẫn múc đất lên xe. Điểm khai thác đất nằm ngay tỉnh lộ 13, xe cộ tấp nập thế nhưng PV không ghi nhận có sự kiểm tra của các ngành chức năng. Hàng nghìn khối đất đã lấy đi dưới “vỏ bọc” của việc xử lý khẩn cấp chống sạt lở.
Sau khi tiếp cận điểm lấy đất, chúng tôi tìm tới UBND xã Hà Ninh để tìm hiểu rõ sự việc. Ông Nguyễn Văn Trai, cán bộ địa chính xã cho biết: Khu vực đồi núi giáp với đất ở thôn Đông Ninh xã là làm tờ trình, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xử lý khẩn cấp chống sạt lở và được huyện phê duyệt. Vị trí đổ đất đá thải trong địa bàn xã.
Khi tiếp cận hồ sơ phía UBND xã Hà Ninh cung cấp, PV nhận thấy tờ trình gửi lên huyện, cũng như phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuât của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT– TKCN) huyện Hà Trung đều không có vị trí đổ thải?.
Theo Thông báo số 26/TĐ-KT&HT ngày 11/03/2019 của phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hà Trung v/v thông báo kết quả thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Xử lý khẩn cấp sạt lở đất đồi núi giáp với đất ở khu dân cư tại xã Hà Ninh, yêu cầu UBND xã Hà Ninh (chủ đầu tư) hoàn thiện thủ tục báo cáo UBND tỉnh chấp thuận và cho phép tận thu đất đào trước khi thực hiện thi công công trình.
Khi được hỏi về việc vì sao chưa được UBND tỉnh đồng ý, xã đã cho đơn vị thi công vào khai thác và vận chuyển đất ra khỏi địa bàn đi tiêu thụ, ông Trai cho biết: Vào thứ 2 (11/03) khi bắt đầu thi công, Cảnh sát môi trường tỉnh Thanh Hóa đã về lập biên bản vì có 2 xe chở đất ra ngoài địa bàn đi tiêu thụ. Theo thông tin tôi nắm được trong ngày hôm nay sẽ có chủ trương cho tận thu của UBND tỉnh???
Như vậy việc xử lý khẩn cấp chống sạt lở mới chỉ có UBND xã Hà Ninh lập tờ trình, báo cáo kinh tế kỹ thuật và phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hà Trung phê duyệt. Thế nhưng các ngành chức năng huyện Hà Trung đã ngang nhiên để đơn vị thi công đưa máy móc và phương tiện vào khai thác đất ra khỏi địa bàn.
Được biết, sau khi UBND xã Hà Ninh có tờ trình gửi lên, Ban chỉ huy PCTT- TKCN huyện Hà Trung đã có Công văn số 03/BCH- PCTT-TKCN ngày 07/03/2019 do đồng chí Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung đồng thời là Phó ban ký, về việc: Sau khi nhận được tờ trình số 92/TTr-UBND của UBND xã Hà Ninh xin chống sạt lở đất đồi núi giáp với đất ở khu dân cư, Ban chỉ huy PCTT- TKCN huyện chỉ đạo UBND xã như sau: Lập phương án xử lý khẩn cấp chống sạt lở. Bố trí lực lượng, phương tiện và xác định vị trí đổ đất đá thải để xử lý sạt lở. Thời gian xử lý xong trước ngày 20/03/2019.
Sau khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trình lên, ngày 11/03/2019 phòng Kinh tế và hạ tầng huyện có thông báo số 26/TĐ-KT&HT, V/v thông báo kết quả thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Xử lý khẩn cấp sạt lở đất đồi núi giáp với đất ở khu dân cư tại xã Hà Ninh, yêu cầu UBND xã Hà Ninh (chủ đầu tư) hoàn thiện thủ tục báo cáo UBND tỉnh chấp thuận và cho phép tận thu đất đào trước khi thực hiện thi công công trình.
Rõ ràng, đây thực chất chỉ là “vỏ bọc” lấy đất chống sạt lở khẩn cấp để hợp thức hóa cho việc khai thác đất. Việc khai thác đất và vận chuyển đi tiêu thụ ngoài địa bàn cũng được thi công trước khi được UBND tỉnh chấp thuận. Việc thất thoát tài nguyên, thất thu thuế là không tránh khỏi. Rất mong Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm chỉ đạo các ngành làm rõ vấn đề này.