Mưa lớn diễn ra trong nhiều ngày qua, hồ thủy lợi Kẻ Gỗ liên tục thông báo nâng mức lưu lượng xả lũ khiến nhiều xã của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà chìm trong biển nước, mọi con đường ở thành phố Hà Tĩnh biến thành sông. Giữa lúc nguy cấp, lệnh di dời khẩn cấp hơn 15 nghìn hộ dân vùng hạ du hồ chưa nước Kẻ Gỗ đã được phát đi.
Lực lượng chức năng đang nỗ lực đưa người dân đến nơi an toàn |
Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tổ chức di dời dân vùng hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ đến nơi an toàn. Cụ thể: huyện Cẩm Xuyên: 13.300 hộ, 43.200 người; huyện Thạch Hà: 1.420 hộ, 2.685 người; thành phố Hà Tĩnh: 263 hộ, 701 người.
Ghi nhận của PV Báo TN&MT, tại huyện Cẩm Xuyên có 16 xã bị ngập phải cần đến lực lượng cứu hộ mới có thể thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, nặng nhất vẫn là vùng hạ du Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên gồm: Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch. Đến 15h ngày 19/10/2020, đã tổ chức sơ tán 10.900 hộ dân.
Công tác ứng cứu người dân diễn ra gặp rất nhiều khó khăn |
Tại xã Cẩm Duệ và một số địa điểm ở xã Cẩm Vịnh - khu vực ngập sâu nhất trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, nước đã ngập lên gần đỉnh nóc của một số nhà dân và hiện đang ở mức cao hơn so với đỉnh lũ năm 2010 từ 40 – 60 cm. Nhiều lực lượng cứu hộ từ tỉnh đang cố gắng tiếp cận ứng cứu nhưng do ngập lụt chia cắt giao thông nên việc tiếp cận rất khó khăn.
Giao thông chia cắt, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn |
Ông Nguyễn Đình Lục- Người dân xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên gọi điện cầu cứu giữa đêm tối cho biết: “Sống chung với lũ nhiều năm nay nhưng cũng không thể lường được mức độ mưa khủng khiếp như vậy. Nếu trời tiếp tục đổ mưa thì chúng tôi không biết thoát bằng cách nào, nước chỉ cách đỉnh nóc nhà khoảng 2m, điện thoại gần hết pin, gọi cứu hộ liên tục nhưng không thể ”.
Các lực lượng xuyên đêm ứng cứu người dân |
Đến tối cùng ngày vẫn còn rất nhiều hộ dân mắc kẹt tại điểm ngập lụt, cần sự hỗ trợ của lực lượng ứng cứu. Tiếng cầu cứu vang vọng khắp nơi, hàng trăm hộ dân vùng ngập lụt của huyện cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh vẫn chưa thể đến được nơi an toàn.
Liên lạc qua đường dây nóng cứu hộ cho biết, lực lượng tại chỗ đã quá sức, lực lượng tỉnh đang cố gắng tiếp cận ứng cứu. Trong đêm tối, các lực lượng tiếp tục “gồng mình” bằng mọi khả năng để tiếp cận, đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Khoảng 22h ngày 19/10, liên lạc với Công an tỉnh Hà Tĩnh được biết, lực lượng vẫn đang dồn tổng lực tiếp cận ứng cứu người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác cứu nạn gặp không ít khó khăn vì trời tối, nước lũ ở mức cao, chảy xiết và cộng với gió to.
Mưa đã có dấu hiệu giảm nhưng khắp các tuyến đường thành phố Hà Tĩnh vẫn ngập sâu |
Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã sơ tán 25.548 người dân. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và chính quyền các huyện, thành phố, thị xã đã được huy động tổ chức di dời dân và đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực phải di dời đi và đến.
Mực nước vẫn ở mức cao tại huyện cẩm Xuyên vào sáng 20/10 |
Ngay trong ngày 20/10, công tác ứng cứu người dân ra khỏi vùng ngập lụt tiếp tục được triển khai. Để giúp dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 53 tàu thuyền, hơn 2.800 cán bộ, chiến sỹ, dân quân sơ tán dân vùng lũ; thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên và thành lập các đoàn công tác cơ động về kiểm tra, thị sát ở các vùng chịu thiệt hại.
Được biết, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng đã điều động tăng cường 5 tàu cỡ lớn và 15 thợ lái tàu xuồng bổ sung; 500 áo mưa, 20 phao bè, 500 túi đựng chăn màn, 120 áo phao cứu sinh... hỗ trợ các đơn vị làm nhiệm vụ ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Tĩnh.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mưa lũ tại Hà Tĩnh