Nhận thức được tác hại của hoạt động sản xuất gây ô nhiễm đến môi trường, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế tại các làng nghề. Đặc biệt, sau khi các cơ quan chuyên môn sở tại khuyến cáo, nhiều hộ dân ở xã Thái Yên, huyện Đức Thọ đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất từ thủ công sang áp dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển nghề mộc.
Phun sơn gây ô nhiễm không khí tại làng nghề mộc |
Nếu như trước đây, việc phát triển mang tính tự phát, thiết bị sản xuất thủ công từ những công cụ đơn sơ như cưa tay, đục, đẽo…kém hiệu quả và “sản sinh” ra một lượng chất thải lớn (mùn cưa, bụi gỗ) và tiếp xúc trực tiếp với đời sống con người thì nay các hộ đã sử áp dụng thành tựu tiên tiến của KHCN vào sản xuất đồ mộc như hệ thống phun sơn, máy tiện bằng vi tính, máy góc lượn…
Được biết, nghề mộc ở xã Thái Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã có từ bao đời, những năm gần đây đang tạo động lực mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo làng quê. Hiện tại, có hơn 1000 hộ dân chuyên sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ cao cấp thì có trên 80% doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn xã đã chủ động ứng dụng công nghệ để tự động hóa sản xuất mộc, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Ông Phan Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Thái Yên cho biết: Nhiều năm nay, làng nghề mộc Thái Yên đã đưa vào sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vừa đảm bảo được năng suất sản xuất, đồng thời giảm thải được ô nhiễm môi trường hiệu quả. Lò phun DU được đưa vào sử dụng và tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, đã tránh được ô nhiễm không khí và tác động trực tiếp đến con người.
Mô hình lò phun DU được đưa vào sử dụng và tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, đã tránh được ô nhiễm không khí |
“Máy tiện vi tính, máy liên hoàn bào, đục… đã được nhiều hộ gia đình đưa vào sử dụng và được “cách âm” bằng việc xây kín tường bao quanh, vì thế, đã hạn chế triệt để âm thanh có thể truyền ra ngoài. Ngay cả những mùn cưa, bụi gỗ cũng được thu mua tại chỗ, người dân vừa kiếm thêm thu nhập lại giải quyết được bụi, rác do làm mộc”, ông Tuấn nói.
Ô nhiễm môi trường ở các làng ngề đang gây ra niều nỗi lo, cần được các cơ quan chức năng Hà Tĩnh quan tâm, xử lý một cách mạnh mẽ. Riêng các làng nghề chế biến thực phẩm thì việc phát sinh ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cộng đồng mà còn là nguy cơ mất vệ sinh an toàn của chính sản phẩm được làm ra.
Có thể kể đến các làng nghề làm nước mắm, chế biến thủy hải sản ở huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… cứ vào mùa lượng nước thải xả ra môi trường lại tăng cao. Để được một mẻ cá, chai nước mắm thành phẩm trải qua rất nhiều công đoạn như bóc vảy, rửa cá…rồi nước lại đổ ra sông, biển, cống rảnh tại khu dân cư nên ô nhiềm là không tránh khỏi.
Với thực trạng đó, mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời (NLMT) vào sản xuất và chế biến nước mắm ở làng nghề nước mắm xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh; xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã được áp dụng vào sản xuất từ năm 2014. Theo đánh giá của ngành môi trường, việc áp dụng mô hình năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm đã cho thấy hiệu quả kinh tế, giảm áp lực cho môi trường.
Chị Trần Thị Hà ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỹ Anh- Một hộ sản xuất nước mắm chia sẽ: “Cá được ướp muối tại thùng chứa sau 2 ngày đã tạo ra nước ban đầu phía dưới thùng, khi qua hệ thống lọc và bơm vào tấm thu năng lượng mặt trời bằng bơm tuần hoàn…”
Được biết, tấm thu NLMT với kết cấu làm từ ống innox có sơn đen với kính phủ trên, làm nhiệm vụ hấp thụ năng lượng, tăng nhiệt độ nước cốt chiết xuất từ thùng chứa lên nhiệt độ tối ưu cho quá trình lên men. Với kết cấu như vậy, việc sản xuất nước mắm của các hộ dân đã được cải thiện đáng kể.
Mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nước mắm mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường |
Từ sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và phụ thuộc vào thời tiết, thì nay các “nghệ nhân” sản xuất nước mắm đã vươn lên trở thành những “triệu phú nhà nông” thực thụ - Với hàng nghìn lít nước mắm/ năm. Bên cạnh đó, do toàn bộ hệ thống từ thùng chứa đến bộ thu NLMT kín nên tránh được mùi hôi, ruồi nhặng không tiếp xúc được, qua đó, khắc phục tối đa ô nhiễm môi trường và nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Hữu Bình, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh hiện có 30 làng nghề truyền thống, trong đó có năm làng nghề và tám nghề truyền thống được công nhận. Với thực trạng hoạt động, việc quan tâm xử lý môi trường tại các làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức, cần phải được quan tâm đúng mức…”.
Đánh giá việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại một số làng nghề trong thời gian gần đây ở địa phương, ông Bình cho rằng : Đây được xem là giải pháp hữu hiệu vừa duy trì được làng nghề truyền thống vừa bảo vệ được môi trường. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi phương án này thì cần phải đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình.