Hà Tĩnh: Nỗi lo môi trường ở huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Đức Cảnh| 30/11/2022 16:14

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng sau gần hai năm huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn loay hoay, chưa giải được bài toán xử lý rác thải sinh hoạt. Điểm tập kết đã quá tải, phần lớn rác thải buộc phải xử lý tại chỗ theo hình thức “mạnh ai nấy làm” khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2020, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy nhưng, cũng chính từ thời điểm này, vấn đề rác thải trở nên bức bí hơn bao giờ hết khi bãi rác tập trung Phượng Thành của toàn huyện trở nên quá tải.

Trước tình hình đó bãi rác đã nhiều lần phải đóng cửa, lượng rác ùn ứ trên địa bàn dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân. Để giải quyết tình thế, huyện Đức Thọ đã tổ chức vận chuyển rác đến nhà máy xử lý của Công ty Phú Hà ở huyện Kỳ Anh để xử lý nhưng đây cũng chỉ là nỗ lực tạm thời, không thể duy trì thường xuyên và lâu dài.

anh-7.-rac.jpg
Có thời điểm rác thải bủa vây thị trấn Đức Thọ do không tìm kiếm được địa điểm xử lý

Được biết, giá hợp đồng xử lý rác thải hiện nay là 1,4 triệu đồng/ tấn. Trong khi mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Đức Thọ từ 35 - 45 tấn, đồng nghĩa huyện phải chi ngân sách hàng chục triệu đồng mỗi ngày nếu muốn vận chuyển xử lý.

anh-4.-dt.jpg
Rác nằm nhiều ngày bên đường

Thực tế đã cho thấy đây là giải pháp không khả thi về lâu dài, bởi lẽ đang tạo áp lực rất lớn và không thể duy trì thường xuyên do chi phí phát sinh quá lớn. Hệ quả, nhiều địa phương phải chấp nhận tình trạng rác thải ùn ứ, xử lý tại chổ bằng cách đốt khiến cho môi trường càng ô nhiễm, nỗi lo của người dân mỗi ngày lớn dần lên.

anh-2.-dt.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch UBND xã lâm Trung Thủy thừa nhận nếu không có sự hỗ trợ thì địa phương rất khó để đưa rác thải đến nhà máy xử lý do kinh phí quá lớn so với khả năng

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chia sẽ: “Địa phương mặc dù đã được huyện hỗ trợ vận chuyển rác thải đi xử lý tại nhà máy của Công ty Phú Hà ở huyện Kỳ Anh, thế nhưng khối lượng vận chuyển chỉ chiếm một phần so với khối lượng thải ra. Điều đó khiến cho các bãi tập kết rác trên địa bàn luôn trong tình trạng quá tải”.

Trên các tuyến đường của thôn Ngọc Lâm, xã Lâm Trung Thủy, tình trạng rác vứt ngổn ngang diễn ra khá phổ biến. Theo người dân, khu vực này là nơi tập kết rác để đưa đi xử lý nhưng do không được đưa đi hết nên những bao rác tồn đọng cứ án ngữ ngày này qua ngày khác.

anh-3.-dt.jpg
Huyện Đức Thọ đang đẩy mạnh các mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm áp lực cho môi trường

Chứng kiến những hình ảnh rác buộc phải đổ tràn ra đường, nhiều chỗ phân hủy bốc mùi hôi thối ở khiến người dân không khỏi bức xúc. Mặt khác, không có xe đưa đi xử lý nên cảnh tượng người dân đốt rác ngay bên lề đường không còn xa lạ đối với nhiều xã nông thôn mới ở huyện Đức Thọ.

Chị Trần Thị Hương, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), không khỏi lo lắng: “Tất cả các loại rác thải, kể cả chất dẻo như chai nhựa, cao su, túi nilon đều tập hợp đem đốt tại chổ. Khi đốt thủ công ở nhiệt độ thấp sẽ sinh ra các khí độc như: Oxit cácbon, hydrocacbon, benzen, dioxin… làm ô nhiễm không khí, chắc chắn sẽ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người…”.

anh-5-dt.jpg
Rác thải được đốt ngay bên đường giao thông ở huyện Đức Thọ

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Đức Thọ mới chỉ có 6 xã, thị trấn gồm: Lâm Trung Thủy, Tùng Ảnh, Tân Dân, Trường Sơn, Liên Minh và thị trấn Đức Thọ được UBND huyện hỗ trợ kinh phí vận chuyển rác đi xử lý. Phần còn lại gồm 10 xã buộc phải xử lý tại chỗ theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất vẫn là đốt hoặc chôn lấp.

Ông Trần Văn Điền, Chủ tịch UBND Xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chia sẽ: “Biết rằng những cách xử lý này sẽ không đảm bảo về lâu dài, không gây ô nhiễm theo cách này thì sẽ gây ô nhiễm theo cách khác nhưng chính quyền và người dân cũng không có sự lựa chọn. Mong rằng các cấp có thẩm quyền sẽ sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ thực trạng khó khăn xử lý rác thải hiện nay trên địa bàn”.

anh-6.-rac.jpg
Mặc dù đã đóng cửa nhưng bãi rác tập trung của huyện Đức Thọ hiện vẫn còn ứ đọng hơn 5000 tấn rác chờ được đưa đi xử lý

Trước áp lực rác thải sinh hoạt, ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương đưa đi xử lý tại nhà máy, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Đức Thọ cũng đã kêu gọi người dân đẩy mạnh phong trào phân loại rác tại nguồn. Theo đó rác thải dễ phân hủy được tách ra ngâm ủ để làm phân vi sinh, phục vụ sản xuất tại vườn hộ, các loại rác thải cứng, rác thải khó phân hủy thì đang gây ra rất nhiều lúng túng cho các hộ dân.

Ông Thái Sơn Vinh, Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho biết : “Để giảm áp lực cho vấn đề rác thải hiện nay trên địa bàn, huyện đã chủ động thực hiện kế hoạch tuyên truyền vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bên cạnh đó hỗ trợ bằng chính sách xây dựng mô hình xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học làm phân vi sinh. Với cách làm này, trong gần ba đã xây dựng được gần năm nghìn mô hình xử lý rác trên toàn huyện ”.

anh-1.-thai-vinh.jpg
Ông Thái Sơn Vinh- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ thừa nhận giải pháp để xử lý rác thải trên địa bàn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn

Phân loại rác tại nguồn là một giải pháp cộng đồng, góp phần chia sẻ gánh nặng trong việc thu gom, vận chyển, xử lý rác thải. Dù mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng để giải quyết được vấn đề, mấu chốt cần phải xây dựng nhà máy xử lý tập trung.

“Huyện Đức Thọ đang chờ đợi đề án xử lý rác thải của tỉnh sớm được triển khai. Cùng với đó là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Đây là giải pháp lâu dài và bền vững nhất để xử lý hiệu quả nguồn rác thải sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân”, ông Thái Sơn Vinh Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Nỗi lo môi trường ở huyện đạt chuẩn nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO