(TN&MT) - Thời gian qua, người dân ở khối 10, thị trấn Xuân An, cùng nhiều cán bộ làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghi Xuân cảm thấy ngạt thở, tức ngực vì khí độc từ cở sở chế biến gỗ thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu An Hồng có cơ sở đóng trên địa bàn. Vậy nhưng, khi phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền thì người dân chỉ nhận được câu trả lời hết sức vô cảm: Chưa thể xác định ô nhiễm…(?!).
“Đầu độc” khu dân cư
Luồng khí từ cơ sở chế biến gỗ An Hồng (tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu An Hồng) cuốn theo gió vào khu dân cư, gây ngột ngạt cả khu vực. Người dân phản ánh, bất kể nắng hay mưa, không gian phía khu khối 10 luôn ám màu đen mịt, mùi hôi của khí thải. Để xác minh vấn đề này, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã về tận cơ sở để được mục sở thị, đứng cách xưởng của Công ty An Hồng chừng 300m cũng đủ để cảm nhận được không khí nơi đây đang thực sự bị ô nhiễm đúng như phản ánh.
Mặc dù người dân nhiều lần kiến nghị, Trung tâm Y tế dự phòng huyện cũng đã lên tiếng phản ánh nhưng cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động, xả khói thải dày đặc ra xung quanh như không hề có chuyện gì xảy ra. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ở khối 10, thị trấn Xuân An đầy bức xúc. Anh Trần Văn Hùng (người dân sống gần xưởng chế biến) cho rằng: “Cơ sở này hoạt động suốt ngày, mỗi khi họ sấy gỗ thì mùi bốc lên hôi lắm, không thể chịu được. Khói đen của nhà máy cứ phả vào mũi người dân thì làm sao có thể sống nổi”. Một người dân khác còn cho biết thêm: “Do ngửi mùi của gỗ sấy quá nhiều mà người dân ở đây xuất hiện nhiều chứng bệnh hô hấp bất thường, nhất là vào mùa hè từ khi xưởng này đi vào hoạt động sản xuất”.
Khí thải xả ra từ cơ sở chế biến gỗ An Hồng
Chung nỗi khổ sở này là cán bộ, nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghi Xuân có trụ sở ở ngay phía sau cơ sở chế biến gỗ. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm phản ánh với tâm trạng đầy lo lắng: “Khí thải theo tâm hướng gió vào trụ sở của cơ quan. Từ khi xí nghiệp này đi vào hoạt động, tiếng ồn, mùi khí thải đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Cán bộ, nhân viên của trung tâm cũng cho biết họ thấy khó thở, tức ngực mỗi khi đến cơ quan làm việc”.
Ông Ngô Văn Hiến khẳng định thêm: “Thực trạng gây ô nhiễm của cơ sở chế biến gỗ chỉ cần ngồi ở trung tâm đây cũng có thể biết được. Tôi cũng đã làm công văn kiến nghị lên UBND huyện phản ánh, sau đó Phòng Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra họ trả lời chưa xác định được ô nhiễm!”.
Việc xử lý, huyện “bó tay”
Liên tục trong thời gian qua, kiến nghị của người dân và Trung tâm Y tế dự phòng Nghi Xuân đã chuyển đến nhiều cơ quan có thẩm quyền, đến UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhưng khi làm việc với phóng viên, bà Lê Thị Kim Hòa - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất khẩu An Hồng cho biết: “Hệ thống lò sấy của công ty đã qua 2 hệ thống lọc khói bể nước đảm bảo tiêu chuẩn. Các giấy tờ, thủ tục liên quan chúng tôi đều làm và được cấp đầy đủ, nhà máy không có nước thải hay khí thải xả ra môi trường mà chưa được xử lý”. Như muốn thách thức công luận, bà Hà phân tích: “Muốn biết chính xác có gây ô nhiễm hay không chờ chúng tôi mời cán bộ chuyên môn để đánh giá lại quan trắc môi trường thì sẽ rõ”.
Cơ sở hoạt động của Công ty An Hồng tại thị trấn Xuân An
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công văn số 946/UBND-TNMT ngày 22/10/2013 của UBND huyện Nghi Xuân, cho biết: Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất khẩu An Hồng đã có đề án bảo vệ môi trường đơn giản được UBND huyện cấp giấy xác nhận số 97/XN-UBND ngày 07/02/2013. Công văn cũng nêu rõ trong Phương án và Đề án của công ty không có hệ thống lò đốt, các biện pháp xử lý nước thải sau khi đốt, xử lý nước thải sau khi xử lý khí thải; không có hạng mục hệ thống hầm sấy gỗ và các biện pháp xử lý mùi gỗ thông. Như vậy, có thể thấy rõ trong đề án chưa có các hạng mục và chưa được cấp phép hệ thống lò đốt, các biện pháp xử lý nước thải sau khi đốt, xử lý nước thải sau khi xử lý khí thải. Hơn nữa, trong quy trình vận hành của xưởng chế biến không có hạng mục hệ thống hầm sấy gỗ và các biện pháp xử lý mùi gỗ thông nhưng Công ty An Hồng vẫn tự ý cơi nới để hoạt động.
Dân cứ kêu than, nhưng nhà máy chế biến gỗ vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường. Đánh giá vấn đề này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân cho hay: Chưa xác định được mức độ ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh. Vị đại diện cơ quan này lý giải do không có đủ điều kiện về nghiệp vụ để kiểm tra. Từ vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra: UBND huyện Nghi Xuân là đơn vị xác nhận Đề án bảo vệ môi trường của Công ty An Hồng nhưng lại không đủ điều kiện nghiệp vụ để kiểm tra khi người dân phản ánh công ty gây ô nhiễm.
Không hiểu sau lời giải thích và câu hỏi này, các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào?.
Đức Cảnh - Đ. Thiệu