Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, tại địa bàn Hà Tĩnh, các cơ quan chuyên môn đã vào cuộc điều tra được 143/160 điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật; lấy mẫu phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm tại 55/143 điểm, phát hiện 31 điểm ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần được xử lý. Được biết, phần lớn các điểm ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật(BVTV) ở Hà Tĩnh đều nằm trong địa bàn dân cư, chưa được xử lý hoặc có một số kho chứa thuốc BVTV đã được tháo dỡ nhưng các chất hóa học tồn lưu vẫn chưa được xử lý, hoặc xử lý sơ sài bằng cách san lấp thủ công.
Điểm tồn lưu hóa chất BVTV tại huyện Thạch Hà đang khiến người dân gánh chịu nhiều hệ lụy |
Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong chiến tranh cần được đầu tư xử lý. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua nhờ huy động được từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan trung ương tổ chức tiêu hủy, xây hầm bê tông kiên cố chôn lấp hàng trăm tấn hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại 8 điểm “nóng’ gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện Quyết định trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tập trung thực hiện cải tạo, xử lý triệt để phục hồi các khu vực bị ô nhiễm để đưa hiện trạng của đất và nguồn nước ngầm trở về trạng thái ban đầu. Phấn đấu đến năm 2020, Hà Tĩnh hoàn thành 100% số cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định phê duyệt của Thủ tường Chính phủ.a
Tin và ảnh: Đức Cảnh