Hà Tĩnh: Hồ tích nước thành nơi chứa chất thải trại lợn?

27/08/2019 12:04

(TN&MT) - Hồ tích nước Vực Trống được kỳ vọng là lời giải cho tình trạng khan hiếm nước sạch của hàng ngàn hộ dân thuộc năm xã vùng thượng huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng lại biến thành nơi chứa chất thải trại lợn do bất cập trong công tác quy hoạch.

Ô nhiễm nước thải trang trại  

Là một trong hồ chứa nước lớn nhất nằm ở vùng thượng của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nhưng Vực Trống lâu nay lại là nơi chứa chất thải của trang trại nuôi lợn, nỗi ám ảnh của người dân. Thực trạng này đã khiến hàng ngàn hộ dân đang hàng ngày đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt.

Trang trại chăn nuôi lợn nằm ngay trong lòng hồ Vực Trống
Trang trại chăn nuôi lợn nằm ngay trong lòng hồ Vực Trống

Anh Phan Tiến Nguyên, người dân xã Phú Lộc, huyện Can Lộc bức xúc: “Người dân hàng ngày phải lo âu, tiết kiệm từng lít nước sinh hoạt trong khi hồ tích nước hàng chục ngàn m3 không thể sử dụng do hoạt động của trang trại lợn trên thượng nguồn. Vực Trống lẽ ra phải là điểm để người dân khai thác nguồn nước sạch nhưng giờ trại lợn xả nước thải vào ai còn dám dùng".

Làm rõ sự việc, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc thâm nhập, mục sở thị khu trang trại chăn nuôi lợn trên thượng nguồn hồ nước Vực Trống thuộc thôn Trà Sơn, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc và chứng kiến hệ thống xử lý nước thải này nằm ngay bên dòng nước.

Với lượng nước thải rất lớn mỗi ngày như thế này thì vào mùa nắng còn đỡ, nhưng đến mùa mưa thì ai cũng biết là sẽ đi về đâu
Với lượng nước thải rất lớn mỗi ngày như thế này thì vào mùa nắng còn đỡ, nhưng đến mùa mưa thì ai cũng biết là sẽ đi về đâu


Cách chân hồ Vực Trống theo đường vòng chừng 2km, trước mắt chúng tôi là khu trang trại chăn nuôi của ông Trần Tất Đạt và ông Nguyễn Đình Thắng. Theo như thông tin có được thì hoạt động của hai trang trại này chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt, thời gian cao điểm số lượng lợn trong chuồng có thể lên đến gần 2.000 con. Mọi hoạt động trong khu chăn nuôi gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Tiếp cận khu vực xử lý nước thải của trang trại ông Nguyễn Đình Thắng cách điểm chăn nuôi một con đường, chứng kiến đường ống dẫn nước thải từ chuồng trại sang hồ chứa được chảy liên tục, màu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Hệ thống xử lý nước thải gồm hồ chứa, hồ lắng trong tình trạng nước sắp tràn bờ. Theo thiết kế, sau khi nước thải qua hồ lắng sẽ chảy vào hồ sinh học rồi thoát ra theo dòng suối về Vực Trống.

Chỉ cần một cơn mưa to thì lượng nước tại hồ chứa nước thải sẽ đầy tràn về Hồ Vực Trống
Chỉ cần một cơn mưa to thì lượng nước tại hồ chứa nước thải sẽ đầy tràn về hồ Vực Trống

Với đặc thù chăn nuôi lợn thịt thì lượng chất thải ra hàng ngày là rất lớn, mùa khô hạn thì đỡ nhưng vào mùa mưa chắc chắn hệ thống xử lý trang trại của ông Nguyễn Đình Thắng không thể đảm bảo. Một điều ai cũng biết, nước thải từ trang trại lợn lúc đó chẳng khác nào xả thẳng ra khe suối, hồ Vực Trống trở thành nơi chứa chất thải trang trại. Tương tự, cách đó chừng một trăm mét là trang trại nuôi hơn 700 con lợn thịt của ông Trần Tất Đạt.

Được biết, hoạt động chăn nuôi của hai trang trại này gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước đã nhiều lần lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản xử phạt. Năm 2017, lực lượng chức năng huyện Can Lộc đã vào cuộc kiểm tra,  xử phạt 42,5 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Đình Thắng về hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định và xử phạt 12,5 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi lợn của ông Trần Tất Đạt cùng hành vi tương tự. Tại thời điểm kiểm tra, mỗi trang trại có quy mô chăn nuôi 1000 con lợn thịt.

Màu nước khu vực Hồ Vực Trống chuyển màu nước mắm
Màu nước khu vực hồ Vực Trống chuyển màu nước mắm

Ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý công trình hồ chứa) cho biết: “Hồ Vực Trống có sức chứa hơn 10 triệu m3 nước, nếu môi trường đảm bảo cho nguồn nước thì sẽ góp phần cung ứng nguồn nước cho sản xuất, đồng thời là lời giải bài toán nước sinh hoạt của người dân. Nhưng, nhìn cảnh tượng nước chuyển màu, bốc mùi do có chứa chất thải trại lợn thì ai còn dám nghĩ đến việc sử dụng nước sinh hoạt ”.

“Chúng tôi cũng không hiểu sao trại lợn lại được quy hoạch trong khu vực lòng hồ như vậy. Để bảo vệ nguồn nước về lâu dài cần phải di dời trang trại ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, để giải quyết thì sự nỗ lực của một mình đơn vị là chưa đủ mà cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ”, ông Huấn nói.

Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Có thể thấy qua thực tiễn cuộc sống người dân thuộc huyện Can Lộc hiện nay, nếu muốn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt về lâu dài cần phải có những công trình cấp nước tập trung.Thấu hiểu điều này, nhiều năm qua Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh đã đồng hành cùng với chính quyền, người dân nơi đây, hướng đến mục tiêu là người dân được dùng nước đảm bảo vệ sinh, nước sạch sinh hoạt.

Hồ Vực Trống trở thành nơi chứa nước thải trang trại
Hồ Vực Trống trở thành nơi chứa nước thải trang trại

Ông Hồ Đình Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh chia sẻ: “Vùng thượng của huyện Can Lộc nằm ở cách xa các công trình cấp nước tập trung lớn của Hà Tĩnh, do đó, đơn vị đã nhiều năm khảo sát, tìm giải pháp khả thi cho người dân nhưng chưa thực hiện được. Nếu nguồn nước Hồ Vực Trống không bị tác động ô nhiễm thì đây là giải pháp mà chúng tôi đã tính tới việc kêu gọi đầu tư nhà máy”.

Theo các phòng chuyên môn huyện Can Lộc, vấn đề nước sạch đang được người dân hết sức quan tâm, đặc biệt tại các cuộc đối thoại, tiếp xúc cư tri thì những câu hỏi liên quan luôn chiếm số lượng lớn. Hàng ngàn hộ dân ở các xã như Phú Lộc, Thượng Lộc, Nga Lộc, Khánh Lộc, Song Lộc…. đang vật lộn với nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, lo tích trữ nước mưa, dùng nước giếng khoan nhiễm phèn sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Huấn- Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý công trình hồ chứa) đến giờ vẫn chưa hiểu tại sao các cơ quan chức năng huyện Can Lộc lại quy hoạch trang trại trong lòng hồ nước sạch
Ông Nguyễn Văn Huấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý công trình hồ chứa) đến giờ vẫn chưa hiểu tại sao các cơ quan chức năng huyện Can Lộc lại quy hoạch trang trại trong lòng hồ nước sạch


Ông Nguyễn Sỹ Chương. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “Mang tiếng là có hồ đập Vực Trống dự trữ nước lớn nằm trên địa bàn nhưng người dân chúng tôi lại thiếu nước sử dụng. Toàn xã có 1.500 hộ dân thì hơn một nửa trong số đó thiếu nước sạch sinh hoạt, tập trung ở các thôn Hồng Lam, Đông Tiến, Đông Thạnh, Trường Đông”.

Theo Phòng TN&MT huyện Can Lộc, vấn đề xử lý môi trường tại khu vực hồ Vực Trống  được lãnh đạo huyện hết sức quan tâm, bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, để chấm dứt hoạt động của trang trại ở khu vực này nhiều khả năng phải để hết thời hạn đầu tư. Theo đó, trang trại được cấp phép hoạt động từ năm 2011, với thời gian hoạt động là 10 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Hồ tích nước thành nơi chứa chất thải trại lợn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO