Hà Tĩnh: Giải pháp nhằm “khống chế” nguy cơ ô nhiễm sản xuất nông nghiệp

Đức Cảnh| 30/11/2021 18:05

(TN&MT) - Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ sinh học nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh đang có những tín hiệu tích cực, giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và đặc biệt là giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hướng đến sản phẩm nông sản an toàn.

Theo thống kê ở Hà Tĩnh, mỗi năm có khoảng 220 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 120.000 tấn phân hóa học được sử dụng. Trong đó, có khoảng 81 tấn thuốc diệt cỏ, 65 tấn thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp. Việc lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hệ lụy về lâu dài rất khó lường.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Trí Hà- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh: “Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất từ sản xuất là khó tránh khỏi nhưng trên thực tế rất đáng báo động, gây nguy cơ cho sức khỏe, môi trường. Những loại hóa chất này sẽ không thể mất đi trong ngày một, ngày hai, đặc biệt với những loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt tính cao”.

Quan sát trên những cánh đồng ruộng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân sau khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho đồng ruộng thì chai lọ, bao bì bị vứt bừa bãi. Đây cũng chính là xuất phát nguồn trước khi thuốc trực tiếp ngấm vào đất, nguồn nước, phát tán trong không khí.

Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã triển khai Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất

Bên cạnh việc nâng cao mức độ cảnh báo nguy hiểm trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cho người dân, đưa ra danh mục thuốc bảo vệ thực vật có hoạt tính cao cấm sử dụng tại Việt Nam, thời gian qua việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm sinh học, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được xem là giải pháp nhằm “khống chê” nguy cơ ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh.

Theo đó, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đã triển khai Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất - HTICIDE. Được biết, sản phẩm được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm hoàn thiện quy trình công nghệ, kết quả bước đầu đã cho thấy những tín hiệu lạc quan.

Cụ thể, lấy ba mẫu đất sử dụng chế phẩm phân hủy tồn dư thuốc BVTV đều không phát hiện dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos và Carbosulfan. Trong khi đó, mẫu đất còn lại không xử lý chế phẩm vẫn tồn tại dư lượng hoạt chất. Đối chiếu kết quả cho thấy, sự có mặt của các chủng vi sinh vật đã làm giảm đáng kể dư lượng các nhóm thuốc bảo vệ thực vật trong đất.

Người dân phấn khởi trước hiệu quả sử dụng sản phẩm sinh học trong sản xuất, hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật

Kỹ sư Nguyễn Thị Hà- Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh cho biết: “ Đối với các chế phẩm xử lý tồn dư bảo vệ thực vật trong đất chúng tôi đã sử dụng các chủng có tác dụng làm giảm dư lượng hóa chất như: Cacbamat, các hợp chất hữu cơ khó tan... giúp tạo độ thoáng trong đất, làm giảm dư lượng hợp chất độc hại. Mặt khác làm đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu, đồng thời bổ sung các vi sinh vật cho đất, nhất là các xạ khuẩn, vi khuẩn bacillus có tác dụng phân giải chất khó tiêu, giúp cây trồng phát triển tốt.

Sau một năm thử nghiệm trên đồng đất xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh và xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã mang lại kết quả rõ rệt. Được mắt thấy, tai nghe, nhiều hộ dân tự giác tham gia sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xất và được tập huấn, tiếp cận quy trình kỹ thuật, cách sử dụng, chăm sóc hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học.

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp với sản phẩm hữu cơ

Bà Phạm Thị Tâm – Một trong những hộ trồng rau ở thôn Thủy Hội, xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Áp dụng công nghệ chế phẩm sinh học trong sản xuất, hơn 3 sào với các loại rau cúc, cải, cần, hành ngò của gia đình trồng theo mùa vụ đã cho năng suất cao, ít sâu bệnh, đáng nói là hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn tại Hà Tĩnh, sau khi áp dụng công nghệ, các loài vi sinh vật hữu ích trong chế phẩm đã tự phân hủy, cản trở sự phát triển trở lại của các loại sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt. Việc sử dụng chế phẩm sinh Hticide do vậy có thể giúp người dân hạn chế và tiến tới thay thế hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật. Qua quan sát, thì diện tích đất được xử lý bằng chế phẩm trở nên tơi xốp hơn, cây trồng sinh trường tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất cao hơn so với trước.

Những cánh đồng rau ở Hà Tĩnh đang được thí điểm sử dụng sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất

Được biết, sau khi thử nghiệm thành công tại xã Thạch Hưng thành phố Hà Tĩnh, xã Tượng Sơn huyện Thạch Hà, hiện nay, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh đã cho nhân rộng thử nghiệm ứng dụng chế phẩm Hticide ra các xã: Tân Lâm Hương, Thạch Văn, Thạch Đài huyện Thạch Hà, xã Hòa Lạc huyện Đức Thọ, xã Kim Hoa huyện Hương Sơn. Tại xã Thạch Văn, riêng thôn Bắc Văn đang tiến hành xây dựng khu vực trồng rau an toàn nên việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý thuốc bảo vệ thực vật trong đất được người dân ủng hộ tích cực.

Ông Nguyễn Văn Đoàn- Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà cho biết: Hiện nay toàn xã Thạch Văn có gần 170ha sản xuất rau củ quả bao gồm sản xuất tập trung và sản xuất vườn hộ, ven biển cung cấp cho thị trường trong tỉnh nên chính quyền địa phương rất quan tâm tới việc sử dụng các chế phẩm an toàn”.

Việc thử nghiệm chế phẩm nấm Lim xanh để phòng trừ một số loại sâu bệnh đang được người dân chờ đợi bước đột phá mới tới từ sản phẩm nông nghiệp

Cùng với nhân rộng chế phẩm Hticide để loại bỏ tồn dư hóa học trong đất thì Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Hà Tĩnh hiện nay đang thử nghiệm chế phẩm nấm Lim xanh để phòng trừ một số loại sâu bệnh, góp phần giúp bà con nông dân chuyển đổi dần từ sử dụng thuốc hóa học sang chế phẩm sinh học: vừa an toàn, vừa nhanh phân hủy, ít gây hại cho môi trường và đặc biệt là không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp./..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Giải pháp nhằm “khống chế” nguy cơ ô nhiễm sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO