Bạn đọc - Pháp luật

Hà Tĩnh:  Đất rừng được “hô biến” thành đất nghĩa trang

Đức Cảnh 13/06/2023 - 09:18

Ở nhiều địa phương tại Hà Tĩnh, đất rừng được Nhà nước giao trồng cây lâu năm nhưng đang bị sử dụng sai mục đích. Người dân phản ánh việc tự ý san bạt đất rừng, phân lô, xây bao để làm nghĩa trang xảy ra nhiều năm nay nhưng chính quyền không có biện pháp quyết liệt.

Đất rừng được rao bán làm nghĩa trang

Khu vực đồi núi ở một số xã của huyện Hương Khê đang là điểm nóng của tình trạng "băm nát" rừng núi làm nghĩa trang. Nhiều khu đất rừng rộng cả chục hecta, nằm lọt giữa những rừng cây xanh ngắt là bãi đất rộng lớn được san gạt bằng phương tiện máy móc, xây bao để làm nghĩa trang của gia đình, dòng họ, nhiều nơi còn được rao bán.

Vào trung tuần tháng 5/2023, chúng tôi tìm về khu vực được rao bán đất nghĩa trang ở huyện Hương Khê. Trước mắt là cánh rừng keo xanh ngắt, trong vai người có nhu cầu mua đất, được bà N. T. L ở thôn Phố Hương, xã Gia Phố dẫn đi xem đất và cho biết: “Cánh rừng keo này giáp ranh với nghĩa trang của xã và đã có bìa lâm bạ mang tên bà. Nếu khách hàng có nhu cầu, bà sẽ cắt ra bán với giá 800.000 đồng 1m2

anh-1.-lang-mo.jpg
Người dân tự bao chiếm đất, cải tạo để quy hoạch phần mộ cho người quá cố trong gia đình trên diện tích đất lâm nghiệp

Không riêng gia đình bà N.T.L, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Gia Phố cũng ngang nhiên cắt, xẻ diện tích rừng trồng được giao để bán cho những người có nhu cầu. Mặc dù đây là khu vực đất rừng nhưng hoạt động xây cất, tôn tạo khuôn viên nghĩa trang vẫn diễn ra.

Tương tự, khu vực đồi Cha Êm, xã Hà Linh thuộc quyền quản lý của Công ty cao su Hương Khê và đang chờ quyết định cấp có thẩm quyền để cắt chuyển về cho xã Hà Linh quản lý. Thế nhưng, khi biết được xã quy hoạch nghĩa trang thì nhiều gia đình, dòng họ đã tự ý phát cây, san đồi xây dựng nghĩa trang cho riêng mình, có những trường hợp được thiết kết nhiều tầng cấp, xây dựng bài bản, có đường đi, kè chắn, thoát nước với diện tích gần 3.000 m2.

Ông Nguyễn Văn Nam, xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho hay, việc bán đất trồng keo để làm nghĩa trang thì mới diễn ra. Thế nhưng tình trạng lấn chiếm đất trồng keo, cây cao su để mở rộng mồ mả thì đã diễn ra từ lâu. Nhiều vị trí đã xuất hiện các khu mộ quy mô lớn lên đến trên 3.000 m2; có những khu mộ đang được người dân chỉnh trang, mở rộng.

Theo phản ánh, việc sử dụng đất mồ mả ở đây theo kiểu mạnh ai nấy làm, người nhanh tay thì chiếm được nhiều, người chậm chân thì bao chiếm được ít. Cũng vì điều này mà trên địa bàn huyện Hương Khê thời gian qua đã không ít lần xảy ra mâu thuẫn, xung đột trong việc tranh chấp đất làm nghĩa trang.

Chính quyền... có buông lỏng ?

Tình trạng sử dụng đất rừng để xây dựng lăng mộ những năm gần đây có chiều hướng gia tăng ở một số xã của huyện Hương Khê, như: Hương Long, Hà Linh, Hương Giang…Nguyên nhân được xác định do nhiều địa phương buông lỏng quản lý, người dân tùy tiện mở rộng nghĩa trang nhưng không có giải pháp ngăn chặn hoặc thực hiện không quyết liệt.

anh-2.-dat-nghia-trang.jpg
Không tuân thủ quy hoạch, nhiều cánh rừng được người dân tự ý chuyển đổi thành đất nghĩa trang

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Đăng Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phố, huyện Hương Khê, cho biết: Hiện trạng nghĩa trang ở xã Gia Phố có diện tích 1,4 ha và đã được quy hoạch mở rộng lên 2,4 ha. Phần mở rộng hiện đang là đất trồng cây lâm nghiệp của một số hộ dân chưa được thu hồi, chuyển đổi. Do đó, một số người dân tự ý rao bán đất trồng cây lâm nghiệp để xây nghĩa trang, tự ý mở rộng diện tích mồ mả của gia đình ở phần đất chưa chuyển đổi”.

Theo chính quyền xã Gia Phố, hành vi tự ý sử dụng đất lâm nghiệp làm nghĩa trang là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới việc quy hoạch chi tiết nghĩa trang cũng như làm phát sinh mâu thuẫn, gây mất an ninh, trật tự. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc triển khai mở rộng nghĩa trang, áp lực cát táng gia tăng, người dân sẽ tìm cách này hay cách khác để cơi nới lấn chiếm nên để chấm dứt được tình trạng này là hết sức khó khăn.

Còn ông Trương Quang Thụy, Chủ tịch UBND xã Hương Long, huyện Hương Khê cho rằng : Vấn đề này ở địa phương không phát hiện trường hợp nào, vì đã có quy hoạch rất cụ thể. Thế nhưng, khi phóng viên thông tin bằng hình ảnh được ghi lại ngay phía đối diện với nghĩa trang của xã, những khu lăng mộ hoành tráng, đủ loại kích cỡ được xây dựng trên đất trồng cây cao su. Có những khu mộ thì đã có 1, 2 ngôi, nhưng cũng có những khu mộ thì xây sẵn để chờ người chôn cất thì vị đại diện chính quyền này mới vỡ lẽ.

.-nghai-trang.jpg
Khu vực ngôi mộ của một dòng họ được quy hoạch xây dựng trên đất trông cao su ở xã Hà Linh

Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê Nguyễn Xuân Quyền cho biết: Hiện nay, công tác quản lý đất nghĩa trang trên địa bàn huyện Hương Khê còn nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương đã quy hoạch 2 nghĩa trang cấp huyện với tổng diện tích 160 ha, tuy nhiên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương còn chậm thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng quy hoạch nghĩa trang cấp xã.

 “Tình trạng người sống lo lắng các phần việc hậu sự theo cách chiếm dụng, mua bán đất nghĩa trang ở Hương Khê đang kéo theo nhiều hệ lụy. Đó không chỉ là phá vỡ quy hoạch, xâm hại nguồn lợi tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hình thành nhóm lợi ích, mà trên hết còn là sự thách thức quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Xuân Quyền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh:  Đất rừng được “hô biến” thành đất nghĩa trang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO