PV: Xin ông cho biết kết quả đạt được trong việc thực hiện quy hoạch, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản tại Hà Tĩnh?
Ông Nguyễn Thanh Điện:
Với sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành và địa phương có liên quan, đặc biệt được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn trong năm qua có nhiều chuyển biến, từng bước đi vào nền nếp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quy hoạch khoáng sản của tỉnh được bổ sung kịp thời, làm cơ sở để cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; Công tác tham mưu cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và công tác cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện đảm bảo theo đúng quy hoạch, trình tự và thủ tục, đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong năm 2021, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã phối hợp đơn vị đấu giá tổ chức đấu giá thành công và tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản 15 mỏ (gồm 3 mỏ cát, 1 mỏ đất sét, 11 mỏ đất san lấp). Đồng thời, trình UBND tỉnh phê duyệt tiền trúng đấu giá 7 mỏ, tổng số tiền 21,5 tỷ đồng.
Tham mưu bổ sung các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mới vào quy hoạch, thực hiện cấp phép khai thác phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó có tính đến phục vụ xây dựng 104km đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn với nhu cầu sử dụng vật liệu rất lớn. Qua rà soát, hiện nay, trữ lượng các mỏ đất, đá được cấp phép trên địa bàn các huyện có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua và vùng phụ cận cơ bản đã đáp ứng nhu cầu xây dựng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương vẫn còn những tồn tại như: Công tác cải tạo, phục hồi môi trường đóng cửa mỏ theo quy định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chưa chấm dứt; Nhiều doanh nghiệp còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Việc tổ chức đấu giá khai thác khoáng sản vẫn còn một số hạn chế...
PV: Bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, Hà Tĩnh đã triển khai và tăng cường công tác quản lý trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Điện:
Bên cạnh các lợi ích kinh tế, khai thác và chế biến khoáng sản cũng gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Do đó, công tác quản lý, khai thác kháng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Tĩnh luôn được chú trọng, xem đây là yêu cầu để hướng đến phát triển nền kinh tế xanh và bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 60 mỏ đất, đá, cát được cấp phép khai thác làm vật liệu thông thường, điểm mỏ làm nguyên liệu sản xuất gạch. Ngoài việc tăng cường phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc giữa các Sở, ngành, UBND các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, thời gian qua, Sở TN&MT đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát hoạt động tại các điểm mỏ, đặc biệt là việc chấp hành bảo vệ môi trường.
Trong đó, tiến hành phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại 18 đơn vị theo kế hoạch được phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đình chỉ hoạt động, thu hồi nhiều giấy phép khai thác trước những cảnh báo về hệ lụy đến môi trường. Gần đây nhất là thực hiện đóng cửa 2 mỏ đá ở thị xã Hồng Lĩnh, 1 mỏ đất tại huyện Can Lộc để cải tạo phục hồi môi trường.
Sở TN&MT cũng đã thực hiện rà soát, bổ sung các điểm mỏ khoáng sản để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề cương, dự toán nhiệm vụ khoanh định điều chỉnh, bổ sung vùng cấm hoạt động khoáng sản.
PV: Hiện địa phương có gặp khó khăn gì trong việc thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác theo quy định?
Ông Nguyễn Thanh Điện:
Với hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản đã được quan tâm không chỉ ở góc độ quản lý Nhà nước mà còn được các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản thực hiện tương đối nghiêm túc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác trên địa bàn Hà Tĩnh còn gặp một số khó khăn.
Qua rà soát, hiện có một số mỏ khoáng sản được cấp phép trước thời điểm Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, nay đã hết thời hạn khai thác từ lâu nhưng chưa thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ. Mặc dù tổ chức được cấp các mỏ này chưa giải thể, phá sản, tuy nhiên, không thể liên hệ với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để yêu cầu thực hiện.
Trong khi đó, Luật Khoáng sản hiện chưa có quy định cụ thể về quy trình đấu thầu thực hiện việc đóng cửa mỏ. Do vậy, đến nay địa phương chưa xử lý dứt điểm được vấn đề này.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật; khắc phục khó khăn, vận dụng linh hoạt trên nguyên tắc trong quản lý cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác và đóng cửa mỏ nhằm đảm bảo môi trường cho phát triển kinh tế xanh và bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!