(TN&MT) - Hơn 20 năm qua, ông Hồ Sỹ Chững thương binh 4/4 ở xóm 9, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), lâm vào cảnh khốn cùng vì một quyết định sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông đã bỏ bao công sức, tiền bạc đem đơn đến gõ cửa các cơ quan chức năng với một tâm nguyện tìm công lý cho gia đình.
Từ quyết định “sai sót” của cơ quan chức năng…
Ông Hồ Sỹ Chững chậm rãi kể: “Năm 1988, ông cùng ông Dương Công Lưu, Dương Văn Mai có đơn gửi các cấp ban ngành địa phương xin được đấu thầu đồi núi trọc. Ngày 18/3/1988, Ban Quản lý HTX Bắc Xuân chứng nhận và đề nghị các cấp, các ngành có liên quan giải quyết đơn của 3 hộ nói trên.
Ông Chững đang trình bày với phóng viên.
UBND xã Thạch Xuân đã chứng nhận đơn xin đấu thầu phát triển vườn đồi của 3 hộ, đề nghị UBND huyện và Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà quy hoạch cụ thể cho từng hộ (do Chủ tịch xã Trương Văn Hiển ký ngày 20/3/1988) và sau đó được các phòng chuyên môn huyện xem xét, nhất trí cho làm thủ tục để cấp quyết định (nội dung này đã được kết luận thanh tra số 14 BC/DCT, ngày 6/3/2001 của tỉnh Hà Tĩnh xác minh).
Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất đồi núi làm vườn đồi có chữ ký của Chủ nhiệm HTX Bắc Xuân và Chủ tịch UBND xã Trương Văn Hiển ngày 30/4/1988. Sau 6 năm miệt mài bỏ công, đổ sức, thuê người khai hoang, trồng cây phủ xanh khu đồi trọc, chăm sóc rừng bạch đàn tái sinh (trước đó hai hộ ông Dương Công Lưu và ông Dương Văn Mai đã bỏ cuộc vì rừng thiêng nước độc) gia đình ông Chững bám trụ, đóng phí sử dụng đầy đủ trên tổng diện tích được xác nhận.
Tiếp đó vào ngày 14/5/1993, UBND huyện Thạch Hà ban hành Quyết định số 16/QĐ-UB “Về việc giao đất khu dân cư cho nhân dân làm nhà ở, nuôi trồng thủy sản”. Trong quyết định này nói rõ: Cho phép ông Hồ Sỹ Chững sử dụng 15 ha đất đồi tại xứ Đập Tây, thời gian sử dụng 30 năm có Nam, Bắc, Đông, Tây tứ cận. Thế nhưng, quyết định này sau đó có kết luận của cơ quan chức năng thiếu cụ thể, không phù hợp với thực tế (ghi sai mục đích sử dụng).
Mặt khác, ngày 27/4/1993, UBND huyện Thạch Hà ra QĐ cấp sổ lâm bạ cho hai hộ gia đình là ông Nguyễn Văn Mại và ông Dương Công Tùng mà theo ông Chững nằm trong diện tích đất đã được chính quyền địa phương xác nhận đơn đấu thầu đồi rừng mà gia đình đang được phép sử dụng, sự việc sau này ông mới được biết.
Người thương binh già đã mệt mỏi khi nhiều năm qua phải đi tìm công lý cho mình.
Sau khi phát hiện sai sót và chờ quyết định xử lý, UBND huyện Thạch Hà đã tạm thời thu hồi Quyết định số 17/QĐ-UB và Quyết định 16/QĐ-UB ra ngày 14/5/1993. Tiếp đến, ngày 27/12/1993, UBND huyện Thạch Hà ban hành Quyết định chính thức số 167/QĐ-UB “Thu hồi quyết định giao đất trồng rừng số 16 đã cấp ngày 14/5/1993 cho ông Hồ Sỹ Chững có diện tích 150.000m2; thu hồi sổ lâm bạ của ông Nguyễn Văn Biểu cấp ngày 22/4/1993” với lý do không thuyết phục.
Đang nắm trong tay khối tài sản 15 ha cây trồng lâm nghiệp, ông Chững bỗng chốc trắng tay khi UBND huyện Thạch Hà đã thu hồi mà không bồi thường tài sản hoa lợi trên đất trong 6 năm gia đình ông gây dựng, ông đã làm đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết thỏa đáng và kéo dài cho đến nay.
…Đến hành trình hơn 20 năm đi tìm công lý
Trong căn nhà cấp bốn, hai gian được làm bằng gỗ tạm, nơi che chở 5 con người, thuộc 2 thế hệ: Ông bà Chững, 3 người con. Theo lời ông Chững thì trước đây ngôi nhà của ông dựng ở nơi này khang trang lắm nhưng do quá trình đi khiếu kiện túng thiếu nên đành bán, giờ phải ở trong căn nhà tạm này. Ngồi một mình, ông chỉ tay lên nơi đặt bàn thờ tổ tiên: “Trong nhà tui chỉ còn cái tủ đáng giá thôi, nhưng để cất giữ tài liệu thôi”.
Diện tích đất giao cho hộ ông Chững quản lý được Nhà nước thu hồi phục vụ dự án Đập Tây, đường 21
Ông Chững nhấn mạnh: “UBND huyện Thạch Hà ra quyết định cấp đất số 16QĐ-UB ngày 14/5/1993 cho tôi có Đông, Tây tứ cận rõ ràng, hồ sơ hợp pháp, huyện ghi sai mục đích sử dụng là do huyện không phải do tôi. Thu hồi quyết định để chỉnh sửa văn bản sao lại thu hồi luôn đất được cấp của gia đình tôi;
UBND huyện ra Quyết định 167/QĐ-UB thu hồi QĐ -16/QĐ-UB không bồi hoàn sản phẩm hoa lợi trên đất do gia đình gây dựng trong 6 năm để rồi giải quyết cho người khác sử dụng. Phần đất đang diễn ra tranh chấp nhưng thời gian qua có một số dự án được triển khai, một phần diện tích được Nhà nước thu hồi nhưng gia đình tôi không được bồi thường mà số tiền bồi thường đó lại chi trả cho các hộ có tranh chấp với tôi”.
Với quyết tâm tìm lại sự thật về quyền lợi của gia đình, ông Chững đã gửi hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền, nhưng sau khi kiểm tra, kết luận để xảy ra sự việc này là do thiếu sót của cơ quan quản lý Nhà nước. Vậy nhưng, hệ lụy sau đó người đang phải gánh chịu là gia đình ông Chững mà không có bất kỳ một sự bồi hoàn nào từ người gây ra.
Bài và ảnh: Cao Lĩnh