Kinh tế

Hà Tĩnh: Cải tạo vườn đồi cho hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo

Đức Cảnh 30/06/2023 - 14:07

Trong những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp để xây dựng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng cây ăn quả ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) được đầu tư phát triển, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ ở địa phương. Từ cách làm đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Biến đồi trọc thành mô hình kinh tế

Xã Hương Minh, huyện Vũ Quang hiện có hơn 50 hộ gia đình, trong đó diện tích đất nông nghiệp gắn liền với nhà ở khá lớn, bình quân 2-5 héc ta/hộ. Những năm gần đây, tận dụng lợi thế này một số hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư cải tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

anh-1.-vu-quang.jpg
Mô hình chăn nuôi tập trung của gia đình anh Trần Văn Lý ở xã Hương Minh

Anh Trần Văn Lý, một trong những người đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp ở xã Hương Minh cho biết: Năm 2016, khi phong trào cải tạo vườn tạp ở địa phương chưa phát triển, nhiều người còn chưa định hướng được sẽ làm gì thì anh Lý cùng với gia đình đã mạnh dạn cải tạo hết phần đất hơn 5 héc ta của gia đình để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt liên kết. Chỉ sau hai năm, nguồn thu từ chăn nuôi đã giúp gia đình đã trả hết chi phí vay mượn đầu tư ban đầu.

Nhận thấy đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã bàn với gia đình tận dụng cả diện tích làm ao nuôi cá giúp cải thiện thêm cuộc sống hàng ngày. Anh Lý cho biết thêm: Bên cạnh lợn là con nuôi chủ lực, gia đình còn nuôi cá, nuôi gà, tổng thu nhập hàng năm từ mô hình VAC của gia đình hàng trăm triệu đồng.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Thập ở xã Đức Bồng khi đang chăm sóc cây cam. Dưới những tán cây cam xanh mướt, trĩu quả đang căng sức trong mùa nắng nóng, anh Thập cho biết: Đất vườn rộng nhưng trước đây chỉ trồng cây keo tràm nhưng phải mất bảy năm mới có bán, với giá cả hiện tại trừ hết chi phí tính ra không còn lãi bao nhiêu, nhưng từ ngày học hỏi được kinh nghiệm cải tạo vườn tạp của một số hộ khác tôi bắt tay chuyển đổi trồng cam. Hiện gia đình đã có hơn 2 héc ta cam và đã cho thu hoạch, mỗi mùa xuất bán trừ hết chi phí thu về trên 200 triệu đồng.

Được biết, ở xã Đức Bồng phần lớn các hộ đã cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây như cam, chanh, bưởi hoặc mở trang trại chăn nuôi. Theo người dân nơi đây thì điều kiện thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả, đặc biệt cây có múi. Hiện nay người dân đang tiếp tục cải tạo vườn tạp, tận dụng các vùng đất cao để đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

anh-2.-cam-vq.jpg
Những vườn cây ăn quả ở Vũ Quang mang lại thu nhập từ việc cải tạo vườn đồi

Ông Lê Ngọc Hoán- Chủ tịch UBND xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang cho biết: Quan điểm của địa phương về xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp là để gắn chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân với đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) làm khởi sắc bộ mặt nông thôn. Mặt khác, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức của nông dân về hiệu quả và giá trị kinh tế của vườn, đồi, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần của nhân dân”.

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Theo rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện Vũ Quang, vườn đồi chiếm hơn 80 % diện tích. Trong đó, diện tích đồi tạp chiếm hơn 70%, tập trung nhiều ở các xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Hương Minh... Trước đây, số diện tích này chủ yếu được người dân sử dụng chăn thả gia súc, trồng tràm...

Đặc biệt, quy mô số hộ có diện tích vườn đồi có từ 2 héc ta trở lên, lên đến gần 1.000 hộ. Song, điều đáng lưu ý ở đây chính là giá trị kinh tế rất thấp. Trong khi đó, nếu chuyển đổi sang trồng cam, chanh, xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung có thể cho thu nhập từ hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ thực tế trên, UBND huyện Vũ Quang đã triển khai thực hiện “Kế hoạch Chuyển đổi, cải tạo vườn đồi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Vũ Quang tận dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên cùng diện tích đất canh tác.

anh-3.jpg
Những vườn đồi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm

Ông Bùi Khắc Bằng - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Trong những năm qua, huyện đã phát huy khá tốt kinh tế vườn đồi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống của bà con nhân dân. Đặc biệt, huyện đang triển khai các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuần hoàn, nông nghiệp sạch, tạo những “hạt nhân” quan trọng để xây dựng các chuỗi kinh tế nông thôn tuần hoàn, an toàn, thân thiện, sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của địa phương”.

Với hướng đi đúng đắn, Vũ Quang từ một địa phương có thu nhập chỉ đạt 9,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh 45, 85 %. Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của huyện Vũ Quang đã đạt 39,68 triệu đồng/năm (tăng gấp 4,3 lần so với thời điểm trước khi xây dựng NTM), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 1 %.

Đến nay, toàn huyện Vũ Quang hiện đã thành lập được 1.845 mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; xây dựng thành công và phát triển thương hiệu cam Vũ Quang. Xây dựng 6.363 vườn mẫu, trong đó có 1.000 vườn được công nhận đạt chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Cải tạo vườn đồi cho hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO