Hà Nội với Bác Hồ

Nhà thơ Đỗ Trung Lai| 02/09/2022 06:43

(TN&MT) - Hà Nội và Bác Hồ đều là đề tài lớn, là nguồn cảm hứng lớn của thi ca Việt bao năm nay. Hà Nội và Bác đều có thơ và bài hát viết về mình nhiều nhất.

Phải được ngưỡng mộ, kính trọng, kính yêu, cảm phục, tin yêu, thân yêu, tri âm, tri kỷ lắm, thi ca mới làm thế. Địa phải linh, nhân phải kiệt, sử phải “vàng”, tình phải thâm, thi ca mới làm thế.

Từ khi ta giành độc lập, Hà Nội và Bác, rộng ra là tinh hoa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm cùng với tinh anh của Bác, thường bên nhau - “Lưỡng nhân song hành”, hòa vào nhau - “Lưỡng hà hợp thủy”, cùng phát sáng - “Lưỡng châu song huy”, và ngày Bác ra mắt quốc dân đồng bào trên Quảng trường Ba Đình, long trọng đọc “Tuyên ngôn Độc lập” do chính Bác viết từ ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, là một ngày huy hoàng: Hà Nội huy hoàng! Cả nước huy hoàng!

anh-3-.jpg
Lăng Hồ Chủ tịch - Quảng trường Ba Đình - Hà Nội

“Tám mươi năm vong nô” là phận dân Việt, dân Hà Nội suốt thời “thuộc Pháp”, tính từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng (1858) đến Cách mạng Tháng Tám (1945). Tuy vậy, “Văn bản chính thức” để toàn Việt Nam và Hà Nội “thuộc Pháp” là “Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương”, do Tổng thống thứ 5 của nền Đệ Tam Cộng hòa Pháp, Marie Francois Sadi Arnot, kí ngày 17/10/1887. Lúc đầu, Liên bang này chỉ gồm Cao Miên, Bắc Kỳ (VN), Trung Kỳ (VN), Nam Kỳ (VN) và đến năm 1893, mới sáp nhập thêm cả Lào.

Cũng trong năm 1887, Pháp tách mấy huyện ven biển của tỉnh Hải Dương để thành lập tỉnh Hải Phòng và ngày 19/7/1888, ngài Tổng thống kia lại ký lệnh thành lập thành phố Hải Phòng (thành phố cấp II). Cùng năm, người Pháp khánh thành đường dây điện báo Sài Gòn - Hà Nội (qua Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh) và thành lập Công ty Mỏ than Bắc Kỳ mà trụ sở đặt tận... Paris và Tổng thống Pháp ra lệnh thành lập thành phố Hà Nội (thành phố cấp I - ngang với Sài Gòn) đồng thời nâng Hải Phòng lên thành thành phố cấp I.

Ngày 3/10/1888, vua Đồng Khánh nhà Nguyễn ra đạo dụ, nhượng hẳn “quyền sở hữu” Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp - như Nam Kỳ. Ba vùng này, từ đó thành thuộc địa chính thức của Pháp.

Sơ lược, Thăng Long - Hà Nội của chúng ta đã “thuộc Pháp” theo cái cách như vậy, trong khi Bắc Kỳ nói chung, “còn” là đất “nửa thuộc địa nửa bảo hộ” và Trung Kỳ “chỉ” là đất “bảo hộ”. Tiếp tục, năm 1889, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Đà Nẵng được Pháp xếp là thành phố cấp II, ngang với Chợ Lớn và Phnôm Pênh...

*

nd10.jpg

Hà Nội trang hoàng rực rỡ chào mừng Quốc khánh 2/9.

Nói rộng ra như vậy để thấy, trước năm Bác Hồ chào đời, người Pháp đã là “ông chủ”, đã tự tung tự tác làm mọi việc trên toàn xứ Đông Dương nói chung, trên đất nước ta và Hà Nội nói riêng - từ hành chính, giao thông, bưu chính... đến khai mỏ, mở trường, lập viện... Thật đúng là “Toàn quyền”, “Thống đốc”, “Thống sứ”, “Khâm sứ”, “Công sứ”! Dẫu sao, với Hà Nội, người Pháp vẫn có một chút “công lao”, khi gọi Hà Nội là “thành phố” chứ không gọi là “tỉnh” như Minh Mệnh nữa.

Nhưng đến mùa Hạ năm 1890 thì lịch sử đã “cài đặt” vào cái chương trình đang có vẻ suôn sẻ và chu toàn kia của người Pháp, một “yếu tố” họ không ngờ: Sự ra đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung.

Người Pháp không ngờ và họ vẫn tiếp tục chương trình của mình: Ngay trong tháng 5 của cái năm 1890 “định mệnh” của họ, Pháp vẫn cho đặt đoạn đường sắt đầu tiên ở Bắc Kỳ, đoạn Phủ Lạng Thương (TP. Bắc Giang bây giờ).

6 năm sau (10/1896), Toàn quyền Đông Dương ra lệnh thành lập “Trường Quốc học” Huế và 8 năm sau (1898), họ khởi công làm cầu Long Biên (cầu Doumer)...

Cứ thế cho đến năm 1911, thì cái “yếu tố” mà lịch sử “cài đặt” vào chương trình của người Pháp từ năm 1890 như đã nói, bắt đầu “can thiệp” vào chính cái chương trình ấy.

Năm đó, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã là nhà giáo Nguyễn Tất Thành. Anh rời cảng Nhà Rồng, sang Pháp, quyết khám phá cái “cơ cấu bên trong” của Chủ nghĩa Thực dân để tìm cách đánh bại nó. 9 năm sau, năm 1920, nhà giáo Nguyễn Tất Thành đã là Nguyễn Ái Quốc được cả thế giới biết đến, qua “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam” tại Hội nghị Versailles, sau đó là “Bản án chế độ thực dân Pháp”, in tại Paris (1925)...

Chỉ 5 năm tiếp theo (1930) Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng của nước mình và thêm 15 năm, năm 1945, Người cùng Đảng của mình và toàn dân làm Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền, phục quốc, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở nước ta.

Hà Nội trở lại vai trò Thủ đô của Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh mà dân ta thường gọi là “Cụ Hồ”, “Bác Hồ”. Từ đó, Bác “định dinh” ở Hà Nội. Hà Nội trở thành nơi đầu tiên đón nhận Hiến pháp của chế độ mới và cũng là nơi phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ - “Ai có súng dùng súng...”, dù “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng...”. Theo đó, Hà Nội đi kháng chiến, Trung đoàn Thủ đô đi đầu, để lại “Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” (1946) và sau 9 năm (1954), với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội đón “Bộ đội Cụ Hồ” về giải phóng, với “Trùng trùng quân đi như sóng...”. Bước ngoặt lịch sử này đưa Bác về hẳn Thủ đô.

Từ “Kháng chiến - Kiến quốc”, Bác và Đảng cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến “thần thánh” lần thứ hai, trực tiếp chống Mỹ ở miền Nam và xây dựng “Hậu phương lớn” miền Bắc. Sau ngày Mỹ ném bom miền Bắc, tại Hà Nội, Bác chủ trì “Hội nghị chính trị đặc biệt” (1964) và ý chí của Bác cùng cả dân tộc lại bùng lên khi Bác phát “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (1966) bất hủ: “...Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Ta lại thấy cái tinh thần “Ai có súng dùng súng...” ngày kháng Pháp!

Chỉ 2 năm sau “Lời kêu gọi...” ấy của Bác, phiên họp chính thức đầu tiên, giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Mỹ đã diễn ra ở Paris (13/5/1968), làm tiền đề cho “Hội nghị bốn bên về Việt Nam” lịch sử và ngày 21/1/1969, phiên họp toàn thể của hội nghị bốn bên ấy đã nhóm họp, cũng ở Paris.

Thế là, trước khi Bác về với “Thế giới người hiền” (2/9/1969), Người cùng Đảng và quân dân của mình làm cho Mỹ thua trong “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và bắt đầu phải tính đến “Việt Nam hóa chiến tranh”. Buồn thay cho họ! Những cuộc chiến ấy đều do họ khơi ra và hiệu quả thế nào, lịch sử đã chỉ rõ. “Điện Biên Phủ trên không” (1972) và “Đại thắng mùa xuân” (1975) là hai đòn “chốt hạ”!

Quả thực, Hà Nội và Bác Hồ, từ khi phục quốc, trong những năm tháng trọng đại, luôn là “Lưỡng nhân song hành”, “Lưỡng hà hợp thủy”, “Lưỡng châu song huy”.

Từ Hà Nội, “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác không hổ với “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” và “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Bác không hổ với “Hịch tướng sĩ văn” của Hưng đạo Đại vương.

Với những áng “Thiên cổ hùng văn” ấy, tinh thần tự chủ - tự cường và truyền thống yêu nước của dân tộc, của Hà Nội, càng trải càng rực rỡ.

Ra mắt đồng bào cả nước ở Hà Nội bằng “Tuyên ngôn Độc lập” bất hủ, Người lại từ Hà Nội về với “Thế giới người hiền” sau khi để lại bản “Di chúc” có một không hai (mà theo Chế Lan Viên, “Người bình yên viết Di chúc giữa ngày sinh nhật” - Bác coi việc sinh - tử của riêng mình là nhẹ bên cạnh sự trường tồn của Tổ quốc và dân tộc).

Bác Hồ, trong cuộc đời vĩ nhân của mình, đã để lại ở Thủ đô hai thời khắc xúc động nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại. Mà các vĩ nhân, hơn ai khác, “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Tinh anh Người còn đó, Lăng Người còn đây, ngày ngày Hà Nội vẫn như có Bác - “Nhật nhật tương kiến”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội với Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO