Hà Nội vẫn đang gặp khó trong sản xuất và sử dụng vật liệu không nung

11/09/2015 00:00

(TN&MT) - Đó là nhận định chung của các nhà quản lý, nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp tại hội thảo: “Tăng cường sản xuất và sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng” do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 10/9.

Vật liệu xây dựng không nung với nhiều ưu điểm như: tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm tổng chi phí công trình, ưu việt với môi trường, hạn chế khí nhà kính...
Vật liệu xây dựng không nung với nhiều ưu điểm như: tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm tổng chi phí công trình, ưu việt với môi trường, hạn chế khí nhà kính...

Vẫn phát triển một cách… ì ạch

Phát biểu tại hội thảo, bà Phan Thu Hằng, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Saint - Gobain Việt Nam cho biết, các công trình xây dựng ở Việt Nam vẫn sử dụng vật liệu nung nhiều, trong khi đó, trên thế giới vật liệu không nung chiếm phần lớn ở nhiều quốc gia. Các nước phát triển như Anh với tỷ lệ 85%, Pháp 80%, Bỉ 54%; một số nước ở Châu Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã có 8% vật liệu không nung được sử dụng trong các công trình xây dựng.

Cùng với cả nước, Hà Nội cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trên địa bàn, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vật liệu xây dựng không nung đã được sử dụng trong một số công trình cao tầng, kể cả các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng lại chủ yếu là vật liệu xây không nung loại nặng (gạch xi măng cốt liệu đá mạt), các loại vật liệu không nung nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến. Có doanh nghiệp còn cân nhắc khi sử dụng trong các công trình nhà ở thương mại cao cấp. Hộ gia đình vẫn chủ yếu dùng gạch nung truyền thống.

...nhưng loại vật liệu xây tiên tiến mà cả thế giới sử dụng vẫn đang gặp khó ở Việt Nam nhất là khi tiến vào các công trình cao tầng
...nhưng loại vật liệu xây tiên tiến mà cả thế giới sử dụng vẫn đang gặp khó ở Việt Nam nhất là khi tiến vào các công trình cao tầng

Theo ông Trung, mặc dù đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trong quy hoạch vật liệu xây dựng 18 nhà máy sản xuất gạch không nung với công suất mỗi nhà máy 20 triệu-70 triệu viên/năm, song đến nay, trên địa bàn Hà Nội hầu hết các nhà máy được quy hoạch đều chưa có dự án đầu tư. Hiện có 1 cơ sở sản xuất gạch xây bê tông cốt liệu tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ với công suất 25 triệu viên/năm nhưng gặp nhiều khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm.

Ngoài ra, các cơ sở tại một số huyện như Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất… cũng sản xuất gạch bloc bê tông nhưng quy ô nhỏ, tự phát, không sản xuất liên tục được bởi chủ yếu phục vụ nhu cầu xây tường rào, chuồng trại chăn nuôi, nhà tạm ở địa phương… Để giải quyết tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – ông Trần Việt Trung cho rằng, vì chưa có sự chuẩn bị kỹ cho việc chuyển đổi từ vật liệu nung sang không nung nên hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất gạch không nung phải nhập khẩu và sử dụng hệ thống máy móc thiết bị của nước ngoài, kể cả nguyên liệu bột nhôm để sản xuất gạch nhẹ. “Bởi vậy, cơ quan chuyên môn cần đánh giá hiệu quả của các dự án sản xuất vật liệu xây không nung và hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế khi sử dụng vật liệu này, nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất để đảm bảo phát triển bền vững vật liệu xây không nung...” - ông Trần Việt Trung nói.

Cần lộ trình khoa học, hợp lý

Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng việc Hà Nội xóa bỏ hơn 1.700 lò gạch thủ công, chuyển sang sản xuất và sử dụng gạch không nung gặp nhiều khó khăn nên cần xây dựng một lộ trình và các bước chuẩn bị một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình thực tế của mỗi huyện, thị xã.

Theo Lộ trình, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ ngừng đầu tư mới các dự án sản xuất gạch nung. Do đó, trong thời kỳ quá độ, Sở Xây dựng và UBND các huyện tiếp tục triển khai, rà soát, giám sát không để phát sinh thêm các dạng lò thủ công cải tiến có hệ thống xử lý khói thải, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tồn tại và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại vật liệu xây không nung để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa các loại sản phẩm này vào công trình. Các đơn vị tư vấn thuộc Bộ Xây dựng nghiên cứu, xem xét, tư vấn cho các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình trong việc sử dụng vật liệu không nung đồng bộ trong tất cả các khâu từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công…

Và để phát triển loại vật liệu này, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương chứ không phải câu chuyện của riêng Hà Nội
Và để phát triển loại vật liệu này, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương chứ không phải câu chuyện của riêng Hà Nội

Đặc biệt, các đại biểu cho rằng các viện nghiên cứu thuộc Bộ đánh giá cụ thể sự phù hợp của các loại vật liệu xây không nung với điều kiện khí hậu Việt Nam, đặc biệt là khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, độ ẩm cao ở miền Bắc; đánh giá ảnh hưởng đến chất lượng công trình sử dụng vật liệu xây không nung đang trong quá trình thi công gặp mưa, ngập nước. Các nhà khoa học cũng cần đánh giá, so sánh cụ thể việc tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu khí CO2 khi sử dụng vật liệu xây không nung vì đa số các chủng loại vật liệu này vẫn sử dụng tài nguyên không tái tạo là đá, nhiên liệu hóa thạch là xi măng, vôi.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đánh giá cao những thành tích trong việc thực hiện triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong Chương trình phát triển vật liệu xây không nung. Tuy nhiên hiện nay Hà Nội vẫn ghi nhận còn khoảng hơn 100 lò gạch thủ công cải tiến, mà thực chất là những lò gạch thủ công còn hoạt động. “Để đẩy mạnh việc phát triển VLXD không nung đặc biệt là các loại vật liệu nhẹ tiên tiến trong thời gian tới, tôi đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội cần tổ chức rà soát, xóa bỏ các lò gạch thủ công này, ngoài ra nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khuyến khích phát triển loại vật liệu không nung trong các công trình xây dựng…” - ông Phạm Văn Bắc nói.

Việt Hùng

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội vẫn đang gặp khó trong sản xuất và sử dụng vật liệu không nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO