Nếu nói cây xanh nói chung và cây xanh Hà Nội nói riêng, thì có thể nói đây là vấn đề nóng hổi hiện nay. Cây xanh là một trong những hạ tầng đô thị quan trọng. Ở góc độ văn bản pháp lý, Chính phủ đã có hẳn một Nghị định riêng về quản lý cây xanh và Bộ Xây dựng cũng đã có Thông tư về việc quản lý cây xanh đô thị…
KTS Trần Ngọc Chính trẩ lời phỏng vấn PV baotainguyenmoitruong.vn sáng 20/3 |
PV: Xin ông cho biết vai trò của cây xanh trong đô thị Việt Nam?
KTS Trần Ngọc Chính: Tôi cho rằng cây xanh có vai trò rất đặc biệt đối với các đô thị Việt Nam. Cây xanh có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường, khí hậu và đặc biệt cây xanh chính là vẻ đẹp của đô thị mỗi thành phố, thị xã…
Chúng ta cần hiểu cây xanh là đặc thù để tạo nên bộ mặt và cũng có thể là thương hiệu của mỗi thành phố. Trên thế giới có Hàng Châu của Trung Quốc là một thành phố xanh, còn ở Việt Nam thì Hà Nội cũng là thành phố xanh. Rồi có thể kể đến Huế, Cần Thơ, Hải Phòng… nơi mà mỗi con đường, tuyến phố đều rợp một màu xanh.
PV: Nói như vậy thì khi nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc của mỗi đô thị đều cần phải cân nhắc trước khi trồng cây xanh trên đường phố thưa ông?
KTS Trần Ngọc Chính: Đúng như vậy. Trong khi nghiên cứu quy hoạch, các nhà quản lý đô thị cần quan tâm đến bề rộng mặt phố, bề rộng đường phố, kiến trúc đô thị, ngoài ra cây xanh còn có vẻ đẹp, có hương thơm của nó… Qua đó, chúng ta sẽ có đáp án về việc trồng cây gì, cây như thế nào, tán lá bao nhiêu, khoảng cách ra sao cho phù hợp.
PV: Thưa ông, gần đây việc Hà Nội thay thế 6.700 cây xanh đang được dự luận hết sức quan tâm. Là người đứng đầu Hiệp hội Cây xanh đô thị Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
KTS Trần Ngọc Chính: Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ đây là việc thay thế chứ không phải chặt hạ cây xanh. Việc thay thế cây xanh là việc đương nhiên trong quá trình phát triển cây xanh đô thị. Những cây bị cong, có bệnh tật, bị sâu, mục ruỗng rồi ngay cả những cây mà bộ rễ không phát triển và có nguy cơ đổ gẫy trong mùa mưa bão… thì chúng ta phải thay thế là đương nhiên. Các bạn cứ hình dung như thế này, ngôi nhà chúng ta xây dựng hết vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nếu hỏng cũng phải thay thế nữa là cây xanh. Ngoài ra, những cây đang sống tốt nhưng không đúng chủng loại ở đô thị nhất là ở Thủ đô như cây muồng, cây dâu da, cây trứng cá… mà nếu có điều kiện để thay thế được thì tôi cho rằng đây là việc nên làm.
PV: Nhưng rõ ràng cách làm của Hà Nội trong việc thay thế cây xanh có vẻ hơi vội vàng khiến dư luận bức xúc thưa ông?
KTS Trần Ngọc Chính: Việc những ngày gần đây Hà Nội phân loại các loại cây nguy hiểm, cây không có giá trị về mặt đô thị và làm hỏng đô thị thì tôi ủng hộ việc buộc phải thay. Tôi cho rằng, việc cải tạo và thay thế cây là đương nhiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách làm, cách đánh giá việc thay thế như thế nào, việc tổ chức truyền thông ra sao để người dân hiểu công việc quan trọng này mới là điều cần quan tâm.
Cây xanh luôn có vai trò quan trọng với Hà Nội nói riêng và đô thị nói chung |
PV: Ông có cho rằng giá như trước khi thay thế cây xanh, Hà Nội có những hội thảo, hội nghị, các chiến dịch truyền thông thì tình hình sẽ không căng thẳng như hiện nay?
KTS Trần Ngọc Chính: Hà Nội cũng có những hội nghị, những buổi họp báo nhưng hình như đó chỉ là những buổi họp mang tính chất thông báo và cho biết nên sự việc mới diễn ra theo chiều hướng như hiện nay.
PV: Vậy ông có ý kiến góp ý gì với UBND TP Hà Nội trong việc này thưa ông?
KTS Trần Ngọc Chính: Đáng lẽ việc này theo tôi đó là việc nhạy cảm nhất là những cây đã gắn bó với tâm tư tình cảm của người dân Hà Nội. Để người dân có thể ủng hộ chính quyền thành phố tiếp tục thay thế cây xanh tạo diện mạo mới cho hệ thống cây xanh đô thị, tôi nghĩ Hà Nội nên tạm dừng việc này để tổ chức thêm hội nghị, hội thảo để mời các chuyên gia, các nhà quản lý và đại diện các hộ dân sống ở khu vực mà thành phố sắp thay thế cây xanh. Nếu được giải thích cặn kẽ, tôi nghĩ không có cớ gì mà người dân không ủng hộ.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Việt Hùng (thực hiện)