Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch số 296/KH-UBND về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đánh giá của UBND Thành phố Hà Nội, việc quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại đã được các cấp, các ngành thành phố triển khai thực hiện theo quy định pháp luật. Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn, cải thiện điêu kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, còn một số bất cập trong vận hành nhà chung cư thương mại chưa giải quyết triệt để, vẫn còn các tranh chấp khiếu kiện về quỹ bảo trì; quản lý diện tích thuộc sở hữu chung; bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng; chỗ để xe...
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; ứng xử của một số chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư, cộng đồng dân cư và một số cá nhân còn thiếu chuẩn mực, chưa tuân thủ theo các quy định của pháp luật; việc giải quyết đơn thư, kiến nghị chưa được kịp thời dẫn đến một vài khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận…
Để xảy ra các tồn tại trên có nguyên nhân do hệ thống các quy định pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại còn một số bất cập, chưa đồng bộ; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng nhà chung cư của một số tổ chức cá nhân chưa nghiêm.
Một số chủ đầu tư thiếu ý thức thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị. Việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì, bàn giao diện tích sở hữu chung, diện tích sở hữu riêng... cho các ban quản trị còn chậm và chưa đầy đủ; chạy theo lợi ích của chủ đầu tư mà chưa tôn trọng quyền lợi chính đáng của cư dân; năng lực tài chính, trình độ và kinh nghiệm quản lý còn kém.
Trước tình hình trên, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp và chủ đầu tư kịp thời đề ra và triển khai các giải pháp quản lý cần thiết, đúng quy định của pháp luật, đế chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cấp và chủ đầu tư giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở cho người dân và xây dựng nếp sống văn minh trong các khu chung cư trên địa bàn thành phố.
Cơ quan quản lý chú trọng nghiên cứu thực tiễn, đề ra hoặc kiến nghị để ban hành biện pháp quản lý đảm bảo khả thi, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thương mại.
UBND Thành phố Hà Nội đề ra các biện pháp khắc phục tồn tại hạn chế như: Đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, từ khâu phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Hà Nội kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng, hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới.
Hà Nội cũng yêu cầu xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở trong quản lý Nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, chủ động nắm bắt và kịp thời giải quyết các bất đồng, tranh chấp, khiếu kiện của cư dân, ban quản trị, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội liên quan đến quản lý chung cư.
Thành phố tăng cường kiểm tra và thanh tra của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý nhà nước nói riêng và hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nói chung, việc phòng cháy, chữa cháy để kịp thời phát hiện, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự đối với các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, quyền và lợi ích chính đáng của cư dân.
UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ động báo cáo xin ý kiến Bộ Xây dựng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về quản lý, sử dụng, vận hành chung cư; nghiên cứu thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư trên để kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố góp ý với Bộ Xây dựng, Chính phủ đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thành phố cũng giao Công an Thành phố xây dựng, triển khai Đề án về “Phòng ngừa giải quyết nguy cơ hình thành điểm nóng về an ninh, trật tự tại các khu chung cư, đô thị mới trên địa bàn”; chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện, thị xã có các chung cư tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện; kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp ổn định tình hình, không để nảy sinh các điểm nóng về an ninh trật tự tại các nhà chung cư.
UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường kiên quyết không giới thiệu địa điểm, không giải quyết đề xuất giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư các dự án khác trên địa bàn Thành phố đối với các Chủ đầu tư vi phạm trong đầu tư, không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Bên cạnh đó, Thành phố giao các quận huyện tăng cường quản lý Nhà nước và thanh tra, kiêm tra xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại hạn chế và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 1.135 cụm (tòa) nhà chung cư thương mại (trong đó có 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005) đã đưa vào sử dụng, với tổng số khoảng 348.984 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 30.360.132m2.
Đến nay, thành phố đã thành lập 804 ban quản trị nhà chung cư; có 723/804 nhà chung cư bàn giao hồ sơ cho ban quản trị; đã có 567/804 nhà chung cư có kinh phí bảo trì 2% bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho ban quản trị (không tính 132 tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 không có kinh phí bảo trì); bàn giao cho ban quản trị diện tích sở hữu chung của 709/804 nhà chung cư và phòng sinh hoạt cộng đồng của 700/804 nhà chung cư.