Hà Nội: Độc đáo chương trình tinh hoa Nghề Việt tại không gian văn hóa Phùng Hưng

29/04/2019 08:27

(TN&MT) – Chào mừng kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2019); Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và nhằm bảo tồn các giá trị di sản truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm tổ chức Hoạt động văn hóa tôn vinh nghề truyền thống Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” tại phố bích họa Phùng Hưng.

Độc đáo chương trình tinh hoa Nghề Việt tại không gian văn hóa Phùng Hưng
Độc đáo chương trình tinh hoa Nghề Việt tại không gian văn hóa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội

Có thể nói thời gian qua phố bích họa Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội luôn được ví là một trong những không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng sôi động tại Thủ đô, đồng thời đây cũng là tiền đề hình thành tuyến phố Phùng Hưng phát triển theo định hướng dịch vụ, thương mại, du lịch gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược...

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: Với mong muốn không gian văn hóa phố bích họa Phùng Hưng thực sự trở thành điểm đến thân thiện, điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch; trở thành một trong những không gian tổ chức các hoạt động nghệ thuật mang tính cộng đồng. UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các tổ chức và cá nhân tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô và du khách quốc tế khi đến thăm quan khám phá thành phố hơn 1000 năm tuổi.

Năm 2019, nhân kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục giao Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với UBND phường Hàng Mã và các phòng, ban ngành của quận tổ chức không gian văn hóa truyền thống tại không gian bích họa phố Phùng Hưng tiêu biểu như: chương trình tinh hoa Nghề Việt; hoạt động trình diễn thời trang “Hà Nội ngày ấy”, “Sắc thu Hà Nội” gắn với các ngày lễ tiêu biểu, các hoạt động ngày Trung thu và Tết truyền thống…

hoạt động trình diễn thời trang “Hà Nội ngày ấy”, “Sắc thu Hà Nội”
Bên cạnh chương trình tinh hoa Nghề Việt tại phố bích họa Phùng Hưng còn diễn ra hoạt động trình diễn thời trang “Hà Nội ngày ấy”, “Sắc thu Hà Nội”...

Trong đó, đối với chương trình tinh hoa Nghề Việt Ban tổ chức sẽ tập trung giới thiệu và tôn vinh một số các sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc – Hà Đông, Gốm sứ Bát Tràng – Gia Lâm; Sơn mài Hạ Thái – Thường Tín; Nón Chuông – Thường Tín; Sừng Thụy Ứng – Thường Tín; Quạt Chàng Sơn – Thạch Thất; Chuồn chuồn tre – Thạch Thất; Mây tre đan Phú Vinh – Chương Mỹ.

Giới thiệu về một số sản phẩm thủ công tiêu biểu của Hà Nội tới du khách; Đặc biệt là những người yêu mến giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long xưa. Hy vọng, hoạt động sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, và tạo nên một không gian văn hóa nói riêng.

Đặc biệt, để tiếp nối thành công của chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại đây, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục giao Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, UBND phường Hàng Mã  phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong việc quảng bá, tổ chức và duy trì các hoạt động để nâng cao giá trị không gian văn hóa nghệ thuật này.

Ông Phạm Khắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông cho biết: Làng nghề thủ công Việt Nam đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, trong đó, Hà Nội có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước. Các sản phẩm làng nghề có vai trò rất quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc.

một số các sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc – Hà Đông, Gốm sứ Bát Tràng – Gia Lâm; Sơn mài Hạ Thái – Thường Tín
Một số các sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc – Hà Đông, Gốm sứ Bát Tràng – Gia Lâm; Sơn mài Hạ Thái – Thường Tín được giới thiệu tại chương trình tinh hoa Nghề Việt

Hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều làng nghề truyền thống còn lưu giữ và phát huy được nghề của cha ông để lại. Tất cả là nhờ lòng kiên trì, tâm huyết  của các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi và thế hệ kế cận.

Nói riêng về hình ảnh làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc đã đi vào thơ ca nhạc hoạ như một nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng bởi sự lâu đời của một vùng quê mang đậm nét của non sông đất nước Việt Nam.

Từ thế kỉ 15, Vạn Phúc đã là một cái tên tin cậy và khẳng định danh tiếng, từng được chọn để may trang phục triều đình và đặc biệt được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn. Vạn Phúc được coi là cái nôi của thời trang Việt Nam, khi từ chính ngôi làng ấy, đã truyền cảm hứng và ý tưởng cho nhiều nhà thiết kế lừng danh của thời trang Việt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Độc đáo chương trình tinh hoa Nghề Việt tại không gian văn hóa Phùng Hưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO