Theo Sở GTVT Hà Nội, năm 2019 toàn thành phố còn tồn tại 33 điểm ùn tắc. Bằng nhiều giải pháp như cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu và tăng cường lực lượng chốt trực điều tiết giao thông, đã xóa được 10 điểm, trong đó có các nút giao: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Vành đai 3 - Pháp Vân - Giải Phóng, ngã tư Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ…
Hà Nội đặt mục tiêu không để phát sinh điểm ùn tắc mới. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Hà Nội cũng phát sinh mới 10 điểm ùn tắc khác gồm: Nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khang - cầu 361, Ngã Tư Sở, Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, Đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao Thanh Xuân, điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng.
Đánh giá nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc mới, Sở GTVT Hà Nội cho biết, nguyên nhân khách quan do phương tiện giao thông tăng cao trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Mặt khác, nhiều công trường thi công chiếm dụng mặt đường, trong đó có các công trình trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3… khiến ùn tắc thêm trầm trọng.
Được biết, theo kế hoạch năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc năm 2019 chuyển sang. Cùng đó, TP Hà Nội cũng cố gắng không để phát sinh những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới; đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để kéo giảm, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút...
Sở GTVT Hà Nội cũng lên kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông, khai thác hiệu quả trung tâm điều khiển giao thông; hướng dẫn UBND các quận, huyện lắp đặt hệ thống camera giám sát…để xử lý vi phạm.
Về lâu dài, Sở GTVT Hà Nội sẽ nhanh chóng hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng đề án chống ùn tắc từ năm đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để có giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.