Hà Nội có nhiều điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong sáng 7/10
Theo bảng xếp hạng chất lượng không khí của các thành phố lớn trên thế giới do AirVisual thực hiện, vào lúc 9h18 ngày 7/10, Hà Nội đứng đầu thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí với chỉ số AQI là 169.
Tính đến 11h30 cùng ngày, chỉ số AQI tại Hà Nội đã giảm xuống còn 161, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm vẫn ở ngường nghiêm trọng.
Theo kết quả đo lường, Hà Nội có 7 điểm ô nhiễm màu nâu đỏ (chỉ số ô nhiễm không khí từ 157-182), gây hại cho sức khỏe của con người.
Trong đó, Chùa Láng (quận Đống Đa) ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 182; Thành Công (quận Ba Đình) ở mức 167, quận Cầu Giấy ở mức 167…
Tại quận Tây Hồ, chỉ số ô nhiễm không khí cũng dao động ngưỡng rất xấu, từ 168-194 . Cao nhất là điểm đo trên phố Quảng Khánh, với mức độ ô nhiễm không khí đạt 194. Ở điểm đo tại đường Nam Trung Yên 11 (quận Cầu Giấy), chỉ số này cũng ở mức 190. Các điểm đỏ khác ở nhiều quận, huyện cũng xuất hiện khắp nơi.
Đây là nhóm chỉ số được AirVisual xếp vào các trường hợp có hại cho sức khỏe, đồng thời khuyến cáo mọi người cần hạn chế ra ngoài vì có thể bị tác động xấu đến sức khỏe, những người nhạy cảm có thể gặp vấn đề với sức khỏe.
Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng chất lượng không khí của các thành phố lớn trên thế giới do AirVisual thực hiện vào lúc 9h18 phút sáng nay, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 169, mức có hại cho sức khỏe.
Trong khi đó, cùng thời điểm, theo hệ thống quan trắc PAM Air, các điểm đỏ cũng liên tục xuất hiện. Điển hình, tại điểm đo huyện Đông Anh, chỉ số AQI (một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) lên tới 194. Tại điểm đo quận Ba Đình, AQI đạt 184.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần theo dõi thường xuyên chất lượng không khí để bố trí lịch làm việc, vui chơi hợp lý. Người dân phải thường xuyên sử dụng khẩu trang, kính che mắt khi đi đường hoặc tiếp xúc với môi trường nhiều khói, bụi; hạn chế lưu thông qua các khu vực nhiều khói công nghiệp.
Ô nhiễm không khí là mối lo cho sức khỏe, là vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết. Ước tính, thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 4% GĐP của đất nước. Không khí sạch là điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bến vững.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch quốc gia về chất lượng không khí của Việt Nam và Kế hoạch mới của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đề ra những ưu tiên rõ ràng để mọi người cùng chung tay hành động.
Đánh giá về ảnh hưởng của chất lượng không khí tới sức khoẻ con người, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó, Việt Nam cũng ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm, nghĩa là trung bình cứ mỗi 7,5 giây lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh liên quan tới hô hấp do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đòi hỏi hành động ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, trong ngắn hạn, chúng ta cần có giải pháp để hạn chế người bị phơi nhiễm và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Trong trung và dài hạn, cần giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân khiến người dân bị bệnh, ở trường hợp này là nguồn ô nhiễm - bao gồm giảm nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm từ giao thông, hạn chế đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ.