Người dân quét mã QR |
Thành phố đã tận dụng “thời gian vàng” để kiểm soát dịch
Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, nhờ dự báo chính xác tình hình, Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu. Đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế. Đến giữa tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh trong cộng đồng, thành phố đã quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 24/7.
Theo nhận định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc chủ động thực hiện giãn cách xã hội là quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tận dụng “thời gian vàng” giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1.
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Trung ương, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vắc xin cùng sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố lân cận, Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên. Nhờ đó, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16/9.
Đến ngày 21/9 thành phố Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch theo nguyên tắc Chỉ thị số 15/CT-TTg và một số biện pháp cao hơn và ngày 28/9 cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa mới tổ chức gần đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Để tiếp tục giữ vững thành quả trong phòng chống dịch, thành phố sẽ thực hiện phương châm: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”, thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đẩy mạnh quét mã QR khi nới lỏng giãn cách
Cùng với việc điều chỉnh những biện pháp phòng chống dịch theo hướng nới lỏng giãn cách, Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ được hoạt động trở lại phải đảm bảo điều kiện bắt buộc là tạo điểm quét mã QR để khách đến mua hàng thực hiện quét mã QR ghi nhận có mặt và khai báo y tế.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOVI, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu người dân khi ra vào cơ quan, tổ chức, công sở, địa điểm công cộng cần thực hiện nghiêm quét mã QR.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm cho hay: Cùng với các biện pháp về y tế, việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra, vào địa điểm bằng mã QR cũng là một trong những biện pháp rất quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch của thành phố. Nó giúp cho việc truy vết được nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn dịch lây lan khi có ca F0 trong cộng đồng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, với 6.653 điểm quét mã được tạo mới, tính đến ngày 1/10, toàn thành phố đã có 481.783 điểm quét mã QR. Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn Thành phố trong ngày 1/10 là 300.360 lượt, tổng số người đi/đến checkin tại các địa điểm quét QR trong ngày 190.916 người. Tuy nhiên còn 5 xã không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày là xã Tân Hưng và xã Việt Long ở Sóc Sơn; xã Tiến Thắng, xã Tự Lập, xã Hoàng Kim ở Mê Linh.
Trong thời gian giãn cách, các địa phương đã cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân |
Đảm bảo an sinh cho người dân
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống cho người nghèo, lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Trong thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã đẩy nhanh tiến độ chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 15 của HĐND thành phố Hà Nội và Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ. Việc chi trả đảm bảo công khai, đúng đối tượng, góp phần ổn định đời sống an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Đồng thời, để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện, thị xã đã vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí, hàng hóa, nhu yếu phẩm... chăm lo cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, hộ dân trong khu vực phong tỏa và những hộ cận nghèo, khó khăn trên địa bàn.
Tính từ đầu tháng 7 đến chiều 1/10, toàn thành phố đã chi hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 3,22 triệu lượt người, với tổng kinh phí khoảng 1.385 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách là hơn 1.000 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hơn 384 tỷ đồng.
Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, các sở, ngành, địa phương đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,693 triệu người lao động, người sử dụng lao động ở Hà Nội gặp khó khăn với kinh phí 705,3 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho trên 1,661 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 645,556 tỷ đồng.
Bên cạnh việc triển khai các phương án hỗ trợ người dân, thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống người dân, lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh như “Chợ 0 đồng” - chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốcViệt Nam thành phố Hà Nội với Bộ Tư lệnh Thủ đô; Hay như chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức.
|