Xã hội

Hà Nam: Hướng đi mới từ phát triển nông nghiệp sinh thái

Việt Linh 28/08/2024 - 16:19

Thuộc vùng châu thổ sông Hồng trù phú, đất đai được phù sa bồi đắp, khí hậu ôn hòa, địa hình đa dạng là những lợi thế để Hà Nam đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Là cửa ngõ phía bắc của Hà Nam, thị xã Duy Tiên có trên 4.800ha đất nông nghiệp, cùng với những lợi thế về địa hình, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả. Những năm gần đây, Duy Tiên đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

z5770274260255_37b048f36ee470c9a500da14952bc9a1.jpg
Nho Hạ Đen được trồng tại xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên mang lại hiệu quả.
z5770274260543_562750ac35f76a6f26ca46d8a5d13a49.jpg
Theo người dân, cây nho cho hiệu quả kinh tế kéo dài từ 7 - 10 năm.

Tháng 3/2019, 2.000 cây nho hạ đen được vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hà, thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên đưa từ Lạng Sơn về trồng thử nghiệm trên diện tích 6.000m2. Theo lời chị Hà, giống nho này có sức sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch, thịt quả dày, giòn, mùi thơm dịu ngọt, và nhất là không có hạt.

Trải qua thời gian đầu nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, vườn nho của gia đình chị Hà đã có 5.500 gốc bắt đầu ra trái và cho thu hoạch. Vào những ngày cuối tuần, rất đông du khách tìm đến vườn để trải nghiệm cảm giác hái quả và check in.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Duy Tiên, hướng tới nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, thân thiện môi trường, Duy Tiên đã xây dựng phương án, lập quy hoạch, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất khó canh tác, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, ổi, cam, nhãn, nho…

z5770274265649_347620b5edd2988b2960a3dda23d741f.jpg
Nho Hạ Đen góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân.

Đến nay, đã hình thành một số vùng cây ăn quả như trồng ổi VietGap, nho hạ đen ở xã Trác Văn; bưởi ở xã Chuyên Ngoại, phường Châu Giang… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân.

Còn tại xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, cây vải lai U trứng được đưa vào trồng từ những năm 2001. Theo người dân nơi đây, vải lai U trứng là giống vải chín sớm trước vải thiều khoảng 1 tháng, quả ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, không bị sâu đầu, hình dạng giống quả trứng, khi chín có màu đỏ hồng rất bắt mắt.

Một ưu thế vượt trội của loại cây trồng này đó là không mất nhiều công chăm sóc như các loại cây trồng khác, chi phí đầu tư thấp, chỉ chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất. Thời điểm thu hoạch sớm vào đầu tháng 4 âm lịch nên giá bán cao gấp 2-3 lần các loại vải chính vụ và gấp 3-5 lần so với trước đây cấy lúa.

Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, Kim Bảng đã tập trung quy hoạch, chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận vải lai U trứng Kim Bảng dùng cho sản phẩm vải quả của huyện Kim Bảng. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi hơn 23ha đất lúa cốt cao của 175 hộ tại xã Nguyễn Úy sang trồng vải lai U trứng, mở ra hướng phát triển mới trên những cánh đồng Hà Nam.

Hình thành vùng sản xuất tập trung

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng các đề án, dự án, mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.

20231129162831-10110.jpg
Mô hình trồng ớt cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tập trung triển khai tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác trên 1 ha diện tích… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đến hết năm 2023, bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55,2 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, triển khai Đề án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, các hộ dân tham gia đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn; được hưởng cơ chế hỗ trợ một phần giống, vât tư, kinh phí phân tích đất, nước để xác định vùng đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap…

buoi_hnam.jpg
Vùng chuyển đổi chuyên trồng cây bưởi diễn ở thị xã Duy Tiên, Hà Nam,

Sau 3 năm thực hiện Đề án, đến nay, Hà Nam đã xây dựng 4 vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 48,95ha đáp ứng các nguyên tắc chuyển đổi, gồm: Vùng trồng bưởi tại phường Châu Giang thị xã Duy Tiên, xã An Ninh huyện Bình Lục; cây vải lai U trứng tại xã Nguyễn Úy huyện Kim Bảng; cây ổi Đài Loan tại xã Thanh Hương huyện Thanh Liêm. Trong đó, 4,73ha ổi Đài Loan ở xã Thanh Hương và 23,29ha vải lai U trứng tại xã Nguyễn Úy đã được cấp chứng nhận VietGap.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát tiển nông thôn tỉnh, qua quá trình thực hiện, các mô hình được trồng, thâm canh đúng theo hướng dẫn, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, phù hợp với các tiêu chí VietGap. Về hiệu quả kinh tế, đều cao hơn ít nhất gấp 4 lần so với cấy lúa truyền thống, cho thấy hướng phát triển đúng trên đồng ruộng.

Cùng với đó, thực hiện Kế hoạch số 1876/KH-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 1.200ha lúa, đạt 32,2% kế hoạch.

Trong đó, hơn 367ha chuyển từ trồng cây lâu năm sang cây ăn quả có múi, ổi, vải, chuối… Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi đều cao hơn so với trước từ 3 - 5 lần như: mô hình trồng bưởi, năng suất các vườn bưởi trên 5 năm tuổi đạt trung bình 15-20 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 120 - 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng Ổi Đài Loan năng suất 17-19 tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 150–180 triệu đồng/ha/năm…

Từ hiệu quả của các đề án, Hà Nam đang giao các sở ngành, các địa phương tăng cường rà soát, quy hoạch, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất sản phẩm chất lượng cao theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Duy trì, cải tạo, mở rộng diện tích cây ăn quả hiện có; phát triển những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa đạt cả về năng suất và giá trị, đặc biệt là những vùng quy hoạch chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả. Xây dựng các mối liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, vùng sản xuất như trồng chuối tại huyện Lý Nhân, thị xã Duy Tiên, vải huyện Kim Bảng; nhãn huyện Kim Bảng, Lý Nhân; bưởi, cam, quýt thị xã Duy Tiên, huyện Bình Lục và Lý Nhân, na huyện Kim Bảng... Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 6.600ha, sản lượng cho thu hoạch khoảng 73.000 tấn/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Hướng đi mới từ phát triển nông nghiệp sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO