Hạ Hòa - Phú Thọ: Chuyên gia phân tích vụ con đường trăm tỷ chưa làm xong đã hỏng

26/05/2018 09:20

(TN&MT) - Liên quan đến nghi vấn chất lượng dự án con đường hàng trăm tỷ đồng đi qua xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa đang xôn xao dư luận, PV Báo Tài nguyên và Môi...

(TN&MT) - Liên quan đến nghi vấn chất lượng dự án đường hàng trăm tỷ đồng đi qua xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa đang xôn xao dư luận, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia ngành xây dựng để rộng đường dư luận...

Sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh về đoạn đường rải bê tông Asphalt có thể bóc bằng tay và bẻ vụn dễ dàng đoạn đi qua xã Yên Luật thuộc dự án đường đang thi công (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ), Phòng Kinh tế & Hạ tầng thuộc UBND huyện Hạ Hòa đã có báo cáo và khẳng định, chất lượng công trình đã đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Theo báo cáo, phần bị bóc theo hình ảnh đăng tải chỉ là phần được thi công thừa. Đơn vị thi công đã không lu lèn lên phần thừa này (khoảng 10cm) nên tơi xốp, dễ bóc.

Thậm chí cơ quan này còn cho rằng người dân ở đây dùng gậy tre, gỗ, kim loại tác động trước khi cho trẻ em dùng tay cạy lớp bê tông Asphalt. Mặt khác, báo cáo còn nói rằng do một hộ dân đang xây dựng, xả nước liên tục xuống mặt đường. Tại thời điểm PV quay lại, phần mép đường nhựa đã được cắt xén khoảng 5 - 10cm.
 
Nhựa ở mép đường được chủ đầu tư giải thích là đổ thừa.

Trả lời Báo Tài nguyên & Môi trường, TS. Nguyễn Ngọc Long (nguyên Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam) cho rằng, không cần phải tranh cãi nhiều mà cứ lấy bản chỉ dẫn kỹ thuật trong hồ sơ dự án là biết lời giải thích của chủ đầu tư có đúng hay không. 

Theo chuyên gia này, trong chỉ dẫn kỹ thuật luôn thể hiện rõ, mặt đường chính thức hay lề đường, có phải lu lèn đầm nén hay không. "Cần xác định rõ trong chỉ dẫn kỹ thuật, có chỗ nào nói rằng mép đường không phải lu hay không?" - TS Long nói. 

Chuyên gia cầu đường cho hay, nếu chỉ dẫn kỹ thuật nói rằng chỗ nào cũng phải lu mà nhà thầu lại giải thích chỗ mép đường không lu, tức là nhà thầu làm không đúng kỹ thuật, như vậy nhà thầu vi phạm chất lượng cầu đường.
duong phu tho still005
Lớp nhựa ở mép đường vỡ vụn dù người dân chỉ dùng tay không bóc lên

Đối với lời giải thích của chủ đầu tư rằng phần mép đó là phần đổ thừa rồi cắt xén đi, TS. Long viện dẫn một số đường sá điển hình (ví dụ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và đặt câu hỏi: "Làm gì có đường nào ở mép đường lại để nham nhở, thích cầm tay bóc là bóc được?!"

Theo ông Long, đường nông thôn miền núi cũng vậy, không chỉ dẫn kỹ thuật nào lại cho phép có phần nhựa không lu lèn để cầm tay bóc lên. Không nhà thầu nào xén nhựa đường và không có ai thi công thừa nhựa đường để xén cả. Nếu có thừa nhựa ra ngoài thì cũng lu lèn cho chặt. "Thời gian đâu để xén vào 5-10 phân. Câu chuyện nghe buồn cười." - TS. Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

PV cũng nêu câu hỏi về việc lu lèn xong thì nhựa đường bám ngay hay phải đợi 1 thời gian thì vị chuyên gia cầu đường cho biết, nguyên tắc trước khi cho xe cộ lưu thông là đã lu lèn xong. Quá trình làm chặt mặt đường được hoàn thành từ lúc lu lèn xong chứ không thể nói mới lu lèn thì nhựa chưa chặt.

Người có nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật cầu đường cho rằng cần phải làm rõ việc chủ đầu tư, nhà thầu giải thích như vậy là theo điều nào trong hồ sơ thiết kế. Nếu chỉ dẫn kỹ thuật không nói đến việc "ở mép không phải lu lèn" thì lời giải thích đó là linh tinh. Muốn xén 5-10cm nhựa đường thì trong chỉ dẫn kỹ thuật phải quy định rõ là mép đường xén vào 5-10cm.

"Muốn biết chủ đầu tư và nhà thầu muốn làm đúng hay sai thì công khai hồ sơ dự án sẽ rõ." - TS Cầu đường nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng) phân tích: Để đánh giá chất lượng công trình phải thông qua kiểm định, căn cứ hồ sơ thiết kế, thực tiễn thi công, kết quả nghiệm thu, chất lượng vật liệu đầu vào, lu lèn,... Làm con đường tuy không phức tạp như tòa nhà, nhưng phải có các lớp kết cấu chặt chẽ, kiểm nghiệm kỹ càng. 

Chất lượng đường phải được đánh giá bằng thông số, không có trọng tài nào ngoài đơn vị thẩm định. Chủ đầu tư và nhà thầu phải giải thích cho người dân bằng góc độ khoa học kỹ thuật chứ không thể nói một cách chung chung như vậy. 

Nhưng TS. Chủng khẳng định, nếu rải nhựa lan ra ngoài rồi không lu lèn mà lại cắt đi là một sự lãng phí. Lớp nhựa đường là loại vật liệu đắt tiền nên lúc đổ nhựa phải đảm bảo đúng bề dày, chiều rộng. Đơn vị thi công phải có biện pháp để ngăn nhựa lại trong đúng phạm vi để lu lèn. Ở ngoài thường rải bê tông, đá để giữ ổn định nhựa đường, tạo viền. 

Chuyên gia giám định công trình cho rằng, nếu theo mô tả có phần nhựa thừa và cắt xén như vậy, chứng tỏ nhà thầu thi công không thực hiện nghiêm túc theo quy định. Phải có giải pháp khống chế chiều rộng nhựa, nhất là rải nhựa bằng máy rất chặt chẽ và chính xác, không bao giờ có chuyện thừa nhựa. "Lớp nhựa bị bóc lên có thể là lớp nhựa thừa, nhưng nếu mỗi đoạn thừa một tý thì cả đoạn đường dài là sự lãng phí và cần phải đặt dấu hỏi về năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, đơn vị thi công công trình." - Ông Chủng nhận định.

TS. Chủng cũng nói thêm, người ta quan niệm "nước là kẻ thù của đường". Con đường mà thoát nước không tốt, xe cộ đi lại sẽ rất nhanh hỏng đường. 

Tất cả con đường muốn bền phải có phương án thoát nước. Giả sử người dân dùng nước sinh hoạt chảy ra mà đơn vị thi công không có phương án thoát nước, biện pháp ngăn chặn, "chứng tỏ nhà thầu ngu dốt" - TS. Chủng nói. Làm đường mà không làm cống rãnh thoát nước, hoặc làm mà không thoát được, để nước sinh hoạt tràn ra đường, chứng tỏ nhà thầu càng có lỗi. Nếu có hệ thống thoát nước, mà người dân vẫn cố tình đổ tràn trên đường, thì nhà thầu cũng phải có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn, không thể để đến lúc hỏng đường mới đổ lỗi cho dân.

Theo nguyên Cục trưởng giám định, cần một cuộc điều tra để xác định các thông số, nhất là về chất lượng của Asphalt và quy trình thi công con đường này. Nếu có lỗi thì xác định lỗi của ai để trả lời rõ ràng với dân.

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Hoạt – Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã cử lực lượng đi thu thập những hồ sơ liên quan như: Hồ sơ thiết kết, hồ sơ dự toán…của dự án để phục vụ cho quá trình xác minh, điều tra rồi có báo cáo cụ thể về Ban giám đốc Công an tỉnh”.

Về các hồ sơ liên quan đến dự án, theo tiết lộ của Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hạ Hòa, toàn bộ hồ sơ của dự án đã giao hết cho công an và không còn lưu giữa bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến dự án này.

Ông Trần Đinh Thìn - Phó ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Hạ Hòa cho biết: “Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh như vậy, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc xác minh và điều tra. Hiện các hồ sơ liên quan đến dự án này chúng tôi đã cung cấp hết cho phía công an nên không còn giữ bản nào nữa”.

Được biết, dự án đường từ QL70B đi thị trấn Hạ Hòa và ĐT 320D kết nối các xã vùng phía Nam và trung tâm huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) với tổng mức đầu tư lên tới gần 200 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND huyện Hạ Hòa, đơn vị thi công là Liên danh Phương Nam – Hồng Hà – Nam Sợ - Đại An, đơn vị tư vấn giám sát là Liên danh công ty CP Phú Vinh, Phú Thọ và Công ty TNHH tư vấn Nam Tùng.


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ Hòa - Phú Thọ: Chuyên gia phân tích vụ con đường trăm tỷ chưa làm xong đã hỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO