Xã hội

Hà Giang: Khởi sắc từ những mô hình sinh kế giúp người dân biên giới thoát nghèo

Minh Khang 13/05/2024 - 15:16

(TN&MT) - Trao sinh kế là cách làm thiết thực, hiệu quả giúp đồng bào nơi biên giới thay đổi tư duy, nhận thức để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Tại khu vực biên giới tỉnh Hà Giang, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã có nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay để giúp cho nhân dân khu vực biên giới từng bước thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Là tỉnh địa đầu Tổ quốc với địa hình, thời tiết đặc biệt khắc nghiệt, Hà Giang có hơn 277 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), với 442 mốc giới phân định lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có 358 mốc chính, 84 mốc phụ. Khu vực biên giới gồm 32 xã và 2 thị trấn biên giới, là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc anh em với dân số 25.466 hộ/132.730 khẩu thi người dân tộc Mông chiếm trên 62%.

Hiện tại, Hà Giang có cặp cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo, cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long và 11 lối mở, trong đó Thanh Thuỷ là cửa khẩu có quy mô lớn nhất.

Do địa hình, thời tiết phức tạp, giao thông chưa thuận lợi và trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Hà Giang vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao.

giup-dan-thu-hoach-lua.jpg
Bộ đội biên phòng Hà Giang giúp dân thu hoạch lúa

Đại tá Đào Hồng Hà - Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang chia sẻ: Thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW ngày 5/10/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”, nhiều năm qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương, triển khai xây dựng hơn 1.500 lượt công trình phục vụ dân sinh. Triển khai 103 mô hình giảm nghèo và đầu tư xây dựng 47 công trình (đường giao thông, cầu cống, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng), hỗ trợ nước sinh hoạt cho hơn 4.500 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư 10 dự án cho các hộ dân tộc thiểu số rất ít người...

Những hoạt động hỗ trợ thời gian qua đã giúp cho người dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới.

con-nuoi-don-bien-phong.jpg
Chương trình “Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn biên phòng” được Bộ đội biên phòng Hà Giang triển khai hiệu quả

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã tổ chức phát động thi đua thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua quyết thắng và triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với mô hình Bộ đội biên phòng hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; chương trình “Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”...

Đơn cử như câu chuyện “Giúp dân cải tạo vườn tạp” ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Theo đó, hưởng ứng mô hình giúp dân “Cải tạo vườn tạp”, từ năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã giúp gia đình anh Chu Văn Hành, thôn Nà Toong, xã Thanh Thủy và gia đình anh Đặng Văn Lòng, thôn Tả Ván, xã Xín Chải (huyện Vị Xuyên) cải tạo toàn bộ khu vực trồng rau, màu quanh nhà, xây dựng lại hệ thống chuồng, trại để phát triển chăn nuôi, đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho gia đình.

dry0_09-58-58_anh-5.jpg
Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào

Hay từ chương trình “Chung tay vì cộng đồng - bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, hơn 10 năm qua, Bộ đội biên phòng Hà Giang đã phối hợp với các mạnh thường quân bàn giao hơn 2.000 con bò giống cho hộ nghèo. Từ những con giống ban đầu đó, đến nay, đã có hơn 10.000 con bò được sinh ra, góp phần không nhỏ vào việc tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho đồng bào nơi biên giới. Đây chính là động lực để nhiều hộ nghèo vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể hóa Nghị quyết này, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương xuống hướng dẫn người dân quy hoạch, sắp xếp bố trí lại không gian vườn hộ hợp lý, khoa học phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Huy động lực lượng giúp đỡ người dân ngày công lao động, hỗ trợ vật tư, cây, con giống, phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi năm đơn vị hỗ trợ hơn 500 ngày công tham gia giúp dân tích cực tham gia trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước

Theo Đại tá Đào Hồng Hà, bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia. Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn biên phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống tận hộ gia đình cầm tay, chỉ việc hướng dẫn cho các hộ phát triển kinh tế. Góp phần làm chuyển biến tư duy, nhận thức của người dân tự vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo của xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu; qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ Quốc gia.

Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Giang tiếp tục tham gia triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nền Biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới như chương trình “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Bò luân chuyển sinh sản”, “Nâng bước em tới trường”, “con nuôi đồn Biên phòng”… Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân phát triển kinh tế, có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống.

Thực hiện tốt nhiệm vụ này là góp phần triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới; thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân khu vực biên giới đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, qua đó tiếp tục tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Khởi sắc từ những mô hình sinh kế giúp người dân biên giới thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO