Nhận Giải thưởng đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), GS.TS. Nguyễn Thị Lan xúc động chia sẻ: Tôi rất vinh dự, tự hào vì được nhận giải thưởng vốn đã được trao cho nhiều thế hệ nhà khoa học nữ xuất sắc. Giải thưởng là nguồn động viên khích lệ to lớn đối với các nhà khoa học nữ đam mê nghiên cứu. Với trường đại học, giải thưởng càng ý nghĩa vì tính lan tỏa rộng rãi, truyền cảm hứng nghiên cứu đến hàng ngàn sinh viên nữ.
PV: Bà từng quan niệm, nghiên cứu khoa học là con đường vinh quang nhưng đầy chông gai. Bà đã vượt qua các thách thức trên con đường đó ra sao, thưa bà?
GS.TS. Nguyễn Thị Lan: Con đường nghiên cứu khoa học của tôi xuyên suốt từ khi tôi là sinh viên đến nay, khi tôi làm Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Xuất thân là sinh viên rồi giảng viên trường nông nghiệp, sau đó đi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Nhật Bản và trở về nước, tiếp tục công việc của mình tại Học viện này. Hai thời điểm khó khăn nhất trên con đường học tập nghiên cứu là khi tôi quyết định đi học ở Nhật Bản và khi trở về nước. Khi đi học xa nhà, điều mà tôi phải vượt qua là nỗi nhớ gia đình và thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Nhưng niềm đam mê cùng với điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất rất tốt tại Nhật Bản đã giúp tôi đắm mình vào các mẫu vật, phòng thí nghiệm để quên đi nỗi nhớ con, nhớ nhà. Còn khi về nước, khó khăn lại là việc liệu mình có triển khai được các nghiên cứu trong điều kiện nhà trường còn nhiều thiếu thốn về nguồn lực? Rất may, chính thời điểm này lại là bước ngoặt trong cuộc đời nghiên cứu của tôi.
PV: Bà có thể chia sẻ về bước ngoặt này?
GS.TS. Nguyễn Thị Lan: Tôi về nước năm 2008, năm 2009 bùng phát dịch tai xanh ở lợn trên khắp cả nước. Áp dụng các kiến thức đã học, tôi viết các đề xuất và được cấp trên phê duyệt ngay. Trong tình huống cấp bách đó, chúng tôi được cấp kinh phí để thực hiện nghiên cứu. Chúng tôi đã thu thập gần 1.000 mẫu lợn mắc virus, phân lập được 20 chủng virus và từ đó, chúng tôi đã chế tạo thành công kít chẩn đoán nhanh hội chứng dịch bệnh tai xanh. Kít này có thể phát hiện virus trong thời gian 5 - 10 phút. Việc phát hiện nhanh đã hỗ trợ các cơ quan chức năng khoanh vùng dịch, có biện pháp kịp thời hạn chế lây lan và thiệt hại.
Đề tài này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà từ đây, chúng tôi đã hình thành được một quy trình tổ chức nghiên cứu có hiệu quả thông qua các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, thay đổi phương thức nghiên cứu khoa học trong trường. Đến nay, Học viện có 50 nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, cơ điện, kinh tế - chính sách… Các nhóm nghiên cứu này có sự tham gia của nhiều giảng viên và sinh viên. Từ đó, phong trào nghiên cứu khoa học được nở rộ và tạo động lực cho các thế hệ Thầy trò.
PV: Thưa bà, trên cương vị Giám đốc Học viện, Đại biểu Quốc hội, liệu bà còn thời gian để cống hiến cho nghiên cứu khoa học?
GS.TS. Nguyễn Thị Lan: Nghiên cứu khoa học đã thấm vào máu thịt nên ở cương vị nào, tôi vẫn rất yêu thích công việc tại phòng thí nghiệm, vườn thực vật hay hướng dẫn sinh viên. Ở cương vị lãnh đạo, tôi lại thấy mình có cơ hội đóng góp nhiều hơn, ở tầm cao hơn cho nghiên cứu khoa học. Tôi có thể gửi các ý kiến của giới khoa học nông nghiệp, giáo dục trong việc xây dựng các Luật: Chăn nuôi, Trồng trọt, Chuyển giao công nghệ, Giáo dục… tới diễn đàn Quốc hội. Tôi có thể đưa ra và tìm nguồn lực để thực hiện các chủ trương lớn như phát triển các phòng thí nghiệm trọng điểm đạt chuẩn ISO, cấp học bổng cho sinh viên nghiên cứu khoa học, hay tìm kiếm các mối liên kết, nâng giá trị sản phẩm, để người Việt Nam tin dùng các sản phẩm nông nghiệp sạch có chất lượng cao do chính người Việt tạo ra.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!