Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59 về quản lý chất thải rắn

15/08/2013 00:00

Sáng 14/08, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2007/NĐ-CP (NĐ59) về quản lý chất thải rắn.

Sáng 14/08, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2007/NĐ-CP (NĐ59)về quản lý chất thải rắn.
   
  Theo dự thảo Nghị định về quản lý chất thải rắn (CTR), có một số điều chỉnh gồm 8 Chương, 43 điều so với NĐ59. Trong đó, có những điều mới được bổ xung liên quan đến giai đoạn và thời gian lập quy hoạch xử lý CTR; Điều chỉnh quy hoạch xử lý CTR; Quy hoạch chi tiết xây dựng khu xử lý CTR; trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu xử lý CTR; Hình thức lựa chọn nhà đầu tư; kế hoạch đầu tư thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; chi phí đầu tư xây dựng và chi phí xử lý CTR; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; trách nhiệm quản lý nhà nước về CTR.
   
  Theo báo cáo tổng kết tình hình triển khai thực hiện NĐ59 của Chính phủ, trong 5 năm qua Bộ Xây dựng đã tổ chức lập quy hoạch chất thải rắn (CTR) vùng liên tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh. Cho đến nay nhiều quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đang trình phê duyệt bao gồm: Quy hoạch quản lý CTR của 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch quản lý CTR 3 lưu vực gồm lưu vực sông Cầu, sông Đồng Nai và sông Nhuệ, sông Đáy; Quy hoạch tổng thể hệ thống chất thải y tế nguy hại đến 2025; Quy hoạch nông thôn mới; Quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh (đến nay đã có 32/63 tỉnh/thành đã lập và phê duyệt quy hoạch quản lý CTR).
   
   
  Trong 5 năm thực hiện, NĐ59 đã quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; thuế; hỗ trợ đầu tư bằng các nguồn ngân sách và tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sau đầu tư; nghiên cứu công nghệ, đào tạo… khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Trong báo cáo nêu rõ, tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển CTR đã được các Cty Môi trường thực hiện khá hiệu quả, chất lượng môi trường sống được cải thiện đáng kể, tỷ lệ đạt 83%; tại khu vực nông thôn, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý do hợp tác xã, các tổ chức dịch vụ tự quản hoặc hộ gia đình tổ chức thu gom, vận chuyển, tỷ lệ chỉ đạt 40-60%. Cũng theo báo cáo thì hiện nay cả nước có khoảng gần 30 nhà máy xử lý CTR đã được đầu tư xây dựng với công nghệ nước ngoài và trong nước. Các công nghệ xử lý CTR đang được áp dụng là chôn lấp, sản xuất phân compost và xử lý bằng đốt.
   
  Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề khuyến khích tái chế sâu CTR (vì phương pháp này không hao tài nguyên đất), định nghĩa rõ CTR trong sinh hoạt (ngoài các hộ gia đình thì các hộ kinh doanh, các văn phòng… cũng có CTR sinh hoạt đô thị)... Ngoài ra còn có ý kiến nên đưa công tác giáo dục, tuyên truyền lên hàng đầu.
   
  Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao những ý kiến đóng góp cho dự thảo, giúp ban soạn thảo hoàn chỉnh tốt hơn dự thảo Nghị định về quản lý CTR, Ban soạn thảo rất hoan nghênh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, và sẽ nghiên cứu và trao đổi với các Bộ nghành liên quan, lồng ghép các nội dung cũng như chỉnh sửa, bổ xung lại từ ngữ cho chính xác để sớm đưa Nghị định đi vào cuộc sống.
   
Theo Mạnh Cường/báo Xây dựng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59 về quản lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO