Khoáng sản

Góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Nhiều ý kiến về địa chất, khoáng sản và công cụ kinh tế

Mai Đan 10/11/2023 - 08:51

(TN&MT) - Sau hai ngày làm việc từ 8 đến 9/11, Tổ biên tập dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý từ kết quả thảo luận của các nhóm chuyên đề về địa chất, khoáng sản và công cụ kinh tế.

img_7083.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp Tổ biên tập dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được tổ chức từ ngày 8-9/11 tại Hà Nội

Tổng hợp các ý kiến trong nhóm chuyên đề về địa chất, ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết các ý kiến chủ yếu tập trung đề nghị bổ sung một số thuật ngữ về địa chất, tài nguyên vị thế; bổ sung tài nguyên năng lượng dòng chảy vào tài nguyên địa chất tái tạo; bổ sung làm rõ trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất (nội dung gì cần bảo vệ); bổ sung cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong công tác bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác.

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung cho phép UBND các tỉnh tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoảng sản đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh; bổ sung cho phép các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ năng lực được thực hiện điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; bổ sung quyền được tham gia lập đề án, kiểm tra, giám sát thi công đề án cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

img_7172.jpg
Ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam tổng hợp các ý kiến trong nhóm chuyên đề về địa chất

Đối với các ý kiến trong nhóm chuyên đề về khoáng sản, có nhiều nhóm nhỏ hơn. Trong đó, có các ý kiến đề nghị chỉnh sửa hoặc bổ sung quy định về phân loại khu vực khoáng sản; khu vực hoạt động khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; sử dụng đất, khu vực biển, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước trong hoạt động khoáng sản; giấy phép khai thác khoáng sản…

Ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Trưởng nhóm chuyên đề về khoáng sản yêu cầu các nhóm nhỏ trao đổi, thảo luận sôi nổi để tìm ra những điểm cần thay đổi hoặc bổ sung trong dự thảo Luật, đồng thời đại diện các nhóm nhỏ tổng hợp tất cả các ý kiến góp ý thu được sau hai ngày làm việc để gửi Ban soạn thảo, Tổ biên tập sớm hoàn thiện dự thảo.

Tổng hợp các ý kiến trong nhóm chuyên đề về công cụ kinh tế, ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Trưởng nhóm cho biết, đối với các nguồn thu ngân sách (Điều 105 của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản), có một số ý kiến đề xuất gộp khoản 1 (Thuế theo quy định của pháp luật về thuế) và khoản 2 (Phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) thành 1 khoản; một số tổ chức, cá nhân đề nghị bỏ khoản 3 (hoàn trả chi phí nhà nước đầu tư) và khoản 4 (tiền cấp quyền); một số địa phương đề nghị bổ sung khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhóm đề xuất giải trình giữ nguyên khoản 3 và khoản 4 và không bổ sung khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 106), có một số ý kiến đề nghị khi trữ lượng khai thác thực tế thấp hơn trữ lượng khai thác được phê duyệt, thì phải điều chỉnh việc hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đảm bảo phù hợp, công bằng. Về vấn đề này, nhóm đề nghị giữ nguyên theo quy định, nghĩa là tính theo trữ lượng phê duyệt, trong trường hợp khi khai thác hết trữ lượng đã được cấp phép, doanh nghiệp phải báo cáo và chuẩn bị điều chỉnh giấy phép theo hướng tăng trữ lượng để có cơ sở điều chỉnh tiền cấp quyền theo trữ lượng cấp phép điều chỉnh.

Bên cạnh đó, có một số tỉnh đề nghị bổ sung trường hợp hết hạn giấy phép khai thác nhưng chưa khai thác được và có lý do chính đáng được địa phương xác nhận thì sẽ được hoàn trả lại tiền cấp quyền. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã có quy định đối với những trường hợp vì lý do bất khả kháng và không giải phóng được mặt bằng nên không khai thác được khoáng sản thì sẽ được hoàn trả tiền cấp quyền, còn đề xuất của một số địa phương như trên là đề xuất chung chung, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, vì thế nhóm cho rằng không nên quy định như vậy.

img_7225.jpg
Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam tổng hợp các ý kiến trong nhóm chuyên đề về công cụ kinh tế

Cũng có một vài ý kiến đề nghị không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp khai thác để cung cấp cho các dự án đầu tư công. Tuy vậy, nhóm cho rằng các dự án đầu tư công cũng cần tính đúng tính đủ tất cả các khoản chi phí để xác định giá thành, do vậy cần đảm bảo công bằng về nghĩa vụ tài chính.

Đối với trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 112), đây là nội dung có nhiều ý kiến góp ý nhất trong lĩnh vực tài chính về địa chất và khoáng sản. Trong đó, có 3 nguồn ý kiến gồm: Tính tiền theo trữ lượng huy động vào khai thác; tính tiền theo sản lượng khai thác thực tế và tính tiền theo trữ lượng được phép khai thác. Theo ông Trần Phương, nhóm đã trao đổi và thống nhất đề xuất “Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác” ghi trong giấy phép khai thác và sẽ tính tiền theo trữ lượng đó”.

Về quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 115), dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp”. Một số tỉnh đề nghị để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương, nhóm đề nghị xem xét đề nghị này theo ý kiến của Bộ Tài chính - yêu cầu giải trình căn cứ pháp lý để phân bổ khoản thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương đối với các giấy phép của Bộ.

Đối với ý kiến về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, một số địa phương đề nghị các khu vực trước khi đấu giá phải giải phóng mặt bằng, nhóm đề xuất không thay đổi theo hướng này, mà cần áp dụng theo quy định của Luật Đất đai, bởi nếu giải phóng mặt bằng trước thì sẽ gây áp lực cho ngân sách địa phương khi phải dành một khoản chi cho giải phóng mặt bằng…

Cũng có ý kiến cho rằng chỉ đấu giá các mỏ đã có kết quả thăm dò, nhóm thống nhất chỉ tiếp thu một phần ý kiến này theo hướng với những trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, chi phí của đề án thăm dò không quá lớn thì địa phương có thể chi ngân sách để đảm bảo tính chính xác của thông tin trữ lượng trước khi đấu giá, tạo tính khách quan, minh bạch. Tuy nhiên đối với những mỏ khoáng sản không phải là vật liệu xây dựng thông thường, đề án thăm dò có quy mô lớn, nếu sử dụng khoản chi ngân sách nhà nước để thăm dò sẽ tạo gánh nặng lớn, do vậy nhóm cho rằng vẫn cần thực hiện đấu giá ở các mỏ chưa thăm dò và đang thăm dò.

img_7086.jpg
Các thành viên của Tổ biên tập dự án Luật Địa chất và Khoáng sản và đại diện các đơn vị liên quan làm việc rất miệt mài trong hai ngày 8-9/11

Liên quan đến đấu giá tại khu vực có nhiều loại khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản quy định đấu giá theo một loại khoáng sản, do vậy nhóm đề xuất bổ sung thêm một khoản để quy định trường hợp đối với một mỏ có hai loại khoáng sản trở lên thì sẽ chọn một loại khoáng sản đưa ra đấu giá, khoáng sản còn lại sẽ được xác định tiền cấp quyền theo kết quả trúng đấu giá của khoáng sản kia và những khoáng sản được phát hiện sau khi cấp phép thăm dò khai thác thì sẽ tính theo tiền cấp quyền đối với khu vực không đấu giá.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Địa chất và Khoáng sản ghi nhận và đánh giá cao quá trình làm việc miệt hài, hăng say của các thành viên Tổ biên tập và đại diện các cơ quan liên quan. Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của các nhóm chuyên đề để nghiên cứu, tham khảo, sớm hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trình Chính phủ và Quốc hội thông qua đúng kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Nhiều ý kiến về địa chất, khoáng sản và công cụ kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO