Gồng mình cứu ngành chăn nuôi trong cơn “bão bệnh” ở Hà Tĩnh: Bài 3: Cần mạnh tay với hành vi cố tình “gieo bệnh”

Đức Cảnh| 25/10/2019 11:16

(TN&MT) - Những hành vi thiếu ý thức bảo vệ môi trường của con người đang là trở ngại lớn trong công tác dập dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung. Nỗ lực ngăn chặn đại dịch sẽ trở nên vô nghĩa nếu không kịp thời chấn chỉnh, nêu cao trách nhiệm và cần thiết phải có chế tài đủ mạnh nhằm răn đe.

Chế tài chưa đủ mạnh với hành vi thiếu ý thức

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Tĩnh cho hay, đã có kế hoạch chủ động ngăn chặn dịch từ tháng 9/2018, khi dịch mới xuất hiện ở Trung Quốc. Cụ thể, Tỉnh ủy có ba công điện chỉ thị; UBND tỉnh ban hành một văn bản với kế hoạch phòng chống rất chi tiết, nhờ vậy mà công tác chỉ đạo, triển khai lực lượng, hướng dẫn đến các địa phương, đơn vị rất kịp thời.

Tuy nhiên, từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay Hà Tĩnh đã ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi xẩy ra tại gần 2.700 hộ chăn nuôi thuộc 443 thôn, số lợn phải tiêu hủy gần 16 nghìn con. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, cần kịp thời chấn chỉnh là những hành vi thiếu ý thức, vô trách nhiệm trước dịch bệnh của một số bộ phận người dân, cán bộ chuyên môn.

Người dân phát hiện Lợn chết vứt bừa bãi, nằm la liệt trên kênh thủy lợi ở Hà Tĩnh

Khi ô dịch đầu tiên được phát hiện tại hộ chăn nuôi ông Đặng Văn Đoàn ở tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên ở Cẩm Xuyên vào tháng 5/2019, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã tập trung xử lý môi trường, cùng với đó là triển khai các phương án ngăn chặn lây lan. Vậy mà, ít ngày sau, người dân phát hiện 25 con lợn bị chết bốc mùi hôi thối tại kênh N9, đoạn qua Thôn Thanh Sơn. Kết quả xét nghiệm sau đó dương tích với dịch tả lợn Châu Phi.

Được biết, kênh N9 xuất phát từ xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên. Nhiều ý kiến đã bắt đầu suy đoán nguồn góc của số lợn chết nêu trên. Cũng chính từ thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu lây lan với tốc độ nhanh, các huyện lân cận như Lộc Hà, Can Lộc, Kỳ Anh… và cho đến nay thì tất cả các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh đều xẩy ra.

Dư luận hết sức bức xúc, trông chờ cơ quan công an sẽ sớm làm rõ đối tượng gây ra để buộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, tình trang lợn chết vứt bừa bãi vẫn tiếp tục xẩy ra ở nhiều nơi sau đó trên địa bàn Hà Tĩnh. Hành vi này đang khiến cho dịch bệnh lây lan vào không khí, ngồn nước rất khó kiểm soát, từ đó bùng phát nhanh. Mới đây nhất là xác lợn chết không rõ nguyên nhân được phát hiện vứt bừa bãi tại các kênh mương ở xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên.

Không những vậy, quá trình hiện một bộ phận cán bộ đã lơ là trong nhiệm vụ được giao. Mặc dù đã được hộ chăn nuôi thông báo đàn lợn có dấu hiệu bị ốm, nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ thú y xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã không kiểm tra, báo cáo cấp trên, khiến dịch bùng phát, lợn chết hàng loạt, gây khó khăn trong công tác phòng chống.

Chủ tịch UBND huyện cẩm Xuyên ngay sau đó đã yêu cầu UBND xã Cẩm Nam tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật và đình chỉ công tác, chấm dứt hợp đồng với bà Hạnh để kịp thời răn đe các trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu ý thức chấp hành trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, lựa chọn, bố trí người có năng lực trình độ để thay thế bà Hạnh đảm bảo, đảm nhiệm công tác thú y trên địa bàn.

Các bãi tắm cho gia súc hiện nay trên tuyến QL1A đi qua Hà Tĩnh có rất nhiều điểm nhưng không làm kế hoạch bảo vệ môi trường. Đây chính là mầm móng để lan truyền dịch bệnh, cần sớm được kiểm soát

Bên cạnh đó, Trần Quốc Vượng- Cán bộ Trạm Kiểm soát QL1A thuộc Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Tĩnh chia sẽ: “Người điều khiển phương tiện không phải ai cũng chủ động dừng xe khi qua trạm để thực hiện các biện pháp phòng dịch, thậm chí còn chống đối, bỏ chạy. Xử lý những tình huống này cần phải có sự phối hợp các lực lượng, không ít lần chúng tôi phải chủ động để giữ tang vật ”.

“Những khó khăn đang gặp phải khiến cho việc kiểm soát phương tiện không thể đạt được 100%, do vậy, vẫn rất dễ cho dịch bệnh lây lan. Theo tôi cần có chế tài xử phạt thật mạnh thì người dân sẽ nhận thức rõ được và mất từ đó tự giác phối hợp, chấp hành ”, ông Vượng nói thêm.

Việc chôn lấp lợn nhiễm dịch liệu đã đảm bảo…?

Nhằm hạn chế lây lan, công việc tiêu hủy lợn sau khi phát hiện nhiễm dịch cũng đang được người dân cũng như cơ quan chức năng Hà Tĩnh hết sức quan tâm, nhất là trong điều kiện môi trường ẩm ướt, số lợn chết, tiêu hủy tiếp tục tăng. Thực tế nhiều địa phương đã rơi vào “thế bí” trong việc bố trí vùng chôn lấp.

Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Tĩnh từng phát biểu: “Sở đã có hướng dẫn các địa phương quy hoạch điểm chôn lấp tập trung theo đúng quy định nhằm đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là quỹ đất có hạn, trong khi vùng đã chôn lấp thì cũng không thể tái sử dụng. Phương án khả thi trong điều kiện dịch tả lợn châu phi lây lan lớn thì cần nghĩ đến đốt.

Chờ một giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm được chi phí xử lý đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Trước mắt, các địa phương vẫn áp dụng phương án chôn lấp theo hướng dẫn nhưng xem ra đây chưa phải là giải pháp đảm bảo an toàn cho môi trường.

Ông Trần Hữu Long- Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Cho đến nay đã có 9 ổ dịch xẩy ra trên năm xã, thị trấn của huyện Vũ Quang và đang tiếp tục diễn biến khó lường. Việc xử lý chôn lợn đối với địa phương vẫn diễn ra thuận lợi vì các điểm dịch chủ yếu xẩy ra ở mô hình nhỏ nên thực hiện tại chổ. Tuy nhiên, việc quy hoạch điểm chôn tập trung là điều đang được tính tới, đề phòng khi dịch xẩy ra ở các mô hình chăn nuôi lớn, trang trại tập trung”.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thực hiện quan trắc môi trường tại các điểm sau khi thực hiện chôn lấp lợn nhiệm bệnh để đánh giá mức độ an toàn nguồn nước, không khí và khả năng tồn tại của dịch bệnh

Mặc dù việc chôn lấp được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, hướng dẫn nhưng liệu môi trương có đảm bảo không phát sinh dịch bệnh thì không dám chắc. Do đó, đại diện Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho rằng nên xem xét thực hiện quan trắc môi trường các điểm sau chôn lấp để đánh giá chất lượng đất, nước, không khí tại khu vực để có phương án lâu dài nếu xẩy ra.

Vậy nhưng, kinh phí để thực hiện giải pháp này lại đang là rào cản đối với các địa phương. Bên cạnh xẩy ra nhiều điểm dịch thì chi phí phục vụ lấy mẫu, phân tích với nguồn kinh phí được bố trí hiện nay chưa thể đáp ứng được.

Đồng quan điểm này, ông Thái Sơn Vinh-Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho hay: “Hiện nay các điểm thực hiện chôn lấp đang được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, có đảm bảo môi trường sau khi thực hiện thì không dám khẳng định. Do đó, cần có kế hoạch quan trắc để đánh giá mức độ, bên cạnh phát hiện nếu xẩy ra sơ suất để kịp thời chấn chỉnh”.

Các trang trại thực hiện phun thuốc khử trùng , đảm bảo an toàn cho khu vực chăn nuôi

Được biết, Đức Thọ hiện có trên 30 ngàn con lợn, chăn nuôi tập trung tại 2 cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 300 - 650 con, 16 trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô 500 - 1.500 con/lứa và tại các nông hộ. Đến thời điểm này đã phát hiện 16 ổ lợn dịch tả châu Phi tại 6 xã gồm: Liên Minh, Thái Yên, Đức Thanh, Đức Đồng, Đức Long và Đức Nhân…Và buộc phải tiêu hủy gần 200 con lợn bị nhiễm bệnh.

Theo ông Vinh, tránh tình trạng gặp bối rối trong việc quy hoạch điạ điểm, ngay khi chưa xẩy ra thì huyện cũng đã có hướng dẫn các địa phương. Đến nay, các địa phương đều đã có phương án chủ động kể cả những nơi chưa xẩy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, giao các xã tập trung theo dõi các điểm đã chôn lấp, nếu phát hiện có hiện tượng sụt lún phải báo cáo ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gồng mình cứu ngành chăn nuôi trong cơn “bão bệnh” ở Hà Tĩnh: Bài 3: Cần mạnh tay với hành vi cố tình “gieo bệnh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO