Bất động sản

Gỡ pháp lý, tăng nguồn cung để giảm giá nhà

Thục Vy 04/04/2024 - 09:03

(TN&MT) - Theo các chuyên gia, để thị trường bất động sản (BĐS) khu vực phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng sớm bứt tốc, cần tháo gỡ pháp lý dự án, khơi thông nguồn cung tất cả các phân khúc, trong đó có phân khúc nhà ở. Đây là việc làm cần thiết để kéo giảm giá nhà đang ngày càng tăng, góp phần ổn định thị trường BĐS.

Nguồn cung giảm mạnh

Savills Việt Nam cho biết, trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp đối với thị trường căn hộ tại TP.HCM đạt 10.700 căn, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và giá nhà đắt đỏ, thị trường chỉ ghi nhận 6.200 giao dịch. Đối với giá bán, giá bán sơ cấp ở mức 69 triệu đồng/m² thông thủy. Nguồn cung sơ cấp giảm 40%, còn 993 căn, thấp nhất trong 5 năm qua. Đáng chú ý, sản phẩm trên 30 tỷ đồng/căn đang chiếm đến 73% thị phần.

"Năm 2024 sẽ là năm cuối cùng trong quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường BĐS. Tuy khó có thể “bùng nổ”, nhưng thị trường sẽ dần đi vào ổn định. Trong nửa đầu năm 2024, dự báo thị trường BĐS tiếp tục duy trì tín hiệu tốt khởi phát từ thời điểm cuối năm 2023, nhưng phải từ cuối quý 3/2024 trở đi, sự phục hồi mới thể hiện rõ rệt”.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS

Còn theo DKRA Group, trong những tháng đầu năm 2024, nguồn cung phân khúc đất nền tại một số tỉnh/thành khu vực phía Nam giảm lần lượt là 14% và 25% so với cùng kỳ 2023. Riêng phân khúc căn hộ, nguồn cung mới 2 tháng đầu năm 2024 chỉ bằng 66% so với cùng kỳ, phân bổ chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân giá dưới 25 triệu đồng/m² mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, cả năm 2023, thành phố có 19 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai với 17.753 căn đưa ra thị trường. Trong đó, phân khúc cao cấp có 11.334 căn, phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có dự án nào thuộc phân khúc căn hộ bình dân. Các dự án thuộc phân khúc trung cấp từ 40 - 50 triệu đồng/m² đang ngày càng hạn chế. Căn hộ ngưỡng giá từ 40 - 50 triệu đồng/m² hiện chỉ còn vài dự án còn sản phẩm ra thị trường.

Chính việc khan hiếm nguồn cung và giá nhà ở tăng cao khiến giấc mơ an cư của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình tại đô thị lớn như TP.HCM gặp khó. Qua khảo sát thực tế về giá nhà ở tại TP.HCM cho thấy, tại quận 12, giá căn hộ chung cư bình dân như Zen Tower cũng ở mức giá xấp xỉ 1,6 - 1,7 tỷ đồng cho căn 68m², chung cư Hiệp Thành giá cũng từ 1,6 tỷ đồng cho căn hộ 49 - 56m² hay giá căn hộ Picity High Park hơn 2 tỷ đồng cho căn 57m²…

Tháo gỡ điểm nghẽn

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhu cầu về nhà ở của người dân tại các đô thị lớn như TP.HCM vẫn rất cao. Trong khi đó, các dự án BĐS do khâu chuẩn bị đầu tư thường kéo dài nên nguồn cung không thể đáp ứng ngay lập tức. Chưa kể nhiều dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý, khiến giá căn hộ chung cư khó giảm mà còn có xu hướng tăng. Để tháo gỡ những "ách tắc" về nguồn cung hiện nay, cần thiết phải tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án.

img_3282.jpg
Nguồn cung mới khan hiếm khiến giá nhà liên tục tăng trong những năm qua

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhìn nhận: Từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã vào cuộc để gỡ “nút thắt” về thủ tục, đất đai, tín dụng, trái phiếu... Đặc biệt, Tổ công tác của Chính phủ cũng đã rà soát, tháo gỡ kịp thời cho hàng loạt dự án BĐS tại nhiều địa phương. Hiện nay, thị trường BĐS đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, mức độ giảm theo tháng và quý. Trong đó, TP.HCM là địa phương có chuyển biến tích cực nhất, hy vọng nguồn cung sẽ sớm được cải thiện.

Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng: Nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp chưa đáp ứng so với nhu cầu và do nhiều chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận nên giá bị đẩy lên, khiến giá nhà luôn có xu thế tăng. Thậm chí, thời gian qua, một số chủ đầu tư BĐS còn đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30 - 40%. Do đó, muốn kéo giảm giá nhà, trước hết, thủ tục hành chính cần nhanh hơn, giúp giảm chi phí để doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có lợi, đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay. Đồng thời, cũng cần sớm gỡ các nút thắt pháp lý cho các dự án để tăng nguồn cung cho thị trường BĐS, góp phần kéo giảm giá nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ pháp lý, tăng nguồn cung để giảm giá nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO