Giữ rừng mãi thêm xanh
(TN&MT) - Vườn quốc gia Bù Gia Mập tọa lạc lại huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên về rừng, gen động - thực vật quý hiếm của quốc gia.
Vì vậy, Vườn là “miếng mồi ngon” của các đối tượng lâm tặc và những kẻ phá rừng lấy đất. Tuy nhiên, nhờ làm tốt giao khoán, quản lý và bảo vệ rừng nên tình trạng lấn chiếm đất rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở Vườn trong những năm qua đã giảm đáng kể.
Ông Vương Đức Hòa - Phó Giám đốc Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập cho hay, thời gian qua, trên lâm phần của Vườn còn xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tình trạng săn bắn, bẫy động vật hoang dã. Mặc dù, các tổ công tác liên tục tuần tra và dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn, tuy nhiên, do đời sống người dân ở khu vực giáp ranh còn khó khăn nên họ lén lút vào rừng kiếm kế sinh nhai. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ các thôn vùng đệm ở 2 xã Đắk Ơ và xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) còn nhiều hạn chế. Trong công việc, anh em kiểm lâm vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là khi đối mặt với lâm tặc, làm nhiệm vụ nơi rừng sâu hẻo lánh, đối mặt với bệnh tật...
Theo báo cáo của Vườn, năm 2014 vừa qua, số gỗ bị khai thác trái phép đã giảm nhiều so với năm 2013. Những kết quả đã đạt được đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Trong mỗi đợt tuần tra, cán bộ của Vườn và Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nên thành viên cộng đồng nhận khoán có ý thức cao trong giữ rừng.
Hiện Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã giao khoán quản lý và bảo vệ rừng gần 25.000 hécta rừng cho 9 cộng đồng các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) và 4 Đồn biên phòng nằm trong vùng đệm. Các cộng đồng lập chốt tại khu vực được nhận khoán hoặc ở cùng với trạm kiểm lâm để tổ chức tuần tra bảo vệ rừng.
Theo ông Vương Đức Hòa, người dân trong vùng đệm của Vườn đa số là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, một số người thường xuyên vào rừng khai thác trái phép nguồn lợi từ rừng, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý. Vì vậy, thực hiện nhận khoán đã giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời, giúp các cộng đồng có thêm nguồn thu ổn định. Mỗi cộng đồng nhận khoán bảo vệ từ 1.700 - 2.000 hécta rừng (từ 18 - 26 người tham gia) với định mức giao khoán hiện tại là 250.000 đồng/hécta/năm. Sau khi trừ tiền ăn và nhiên liệu, thành viên nhận khoán thu nhập từ 1,7 - 2 triệu đồng/tháng. Qua đây, tạo tiền đề cho người dân vùng đệm tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần thoát nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.