Trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy Dó của người Việt ra đời từ rất lâu và thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, nó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn năm.
Trên giấy Dó, những ký ức văn hóa và tri thức Việt được lưu giữ trong nhiều năm mà nét mực không phai, nét chữ không nhòe. Thuở trước, giấy Dó là chất liệu của trí thức Việt, giấy để học chữ, viết chữ, làm thơ, viết câu đối, viết thư pháp, vẽ tranh thờ, tranh trang trí, chép kinh Phật, viết sớ cúng, hay làm sách truyền bá tri thức trong xã hội, tất các thể văn thư hành chính dưới thời phong kiến xưa đều được viết trên giấy Dó. Bởi lẽ đó, giấy Dó là chất liệu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng của người Việt.
Ông Nguyễn Phương Khánh – Làng nghề làm giấy Dó, phường Bưởi, quận Tây Hồ cho biết: Dó là tên một loại giấy được phát minh ra bởi người Việt và luôn đồng hành cùng văn hóa Việt từ quá khứ cho tới hôm nay. Đặc biệt, từ vỏ cây Dó, một loại cây thổ sản của Bắc Bộ, trải qua nhiều công đoạn chế tác thủ công cầu kỳ, phức tạp, đôi tay tài hoa của người thợ Việt đã làm ra thành những tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ, nhưng bên trong dáng vẻ mảnh mai tinh tế đó lại chứa đựng sức bền tuyệt vời đối với thời gian dù trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Đối với nghề làm giấy Dó phường Bưởi căn cứ vào “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì từ trước năm 1345, vùng Bưởi có làng nghề Yên Thái, An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu làm giấy bản, giấy lệnh, giấy moi, giấy phèn… Riêng làng nghề Trung Nha, nay thuộc đất phường Nghĩa Đô, giáp phường Bưởi, có họ Lại chuyên làm giấy sắc, gọi là Kim Tiên, loại giấy này được triều đình dùng viết sắc phong. Ngoài ra, nghề làm giấy Dó của làng Yên Thái xưa (nay thuộc phường Bưởi) là nghề thủ công truyền thống nổi danh đất Thăng Long. Bởi vậy tiếng chày giã Dó đã trở thành nét đặc trưng của đất Kinh kỳ, đã đi vào ca dao và ngấm vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội.
Bà Đỗ Thu Huyền – Làng nghề giấy Dó Dương Ổ Bắc Ninh chia sẻ: Nằm kề bên con sông Ngũ Huyện Khê, làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh là một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống cả nước. Theo bà Huyền một tờ giấy dó đúng tiêu chuẩn dai, bền phải trải qua gần 10 công đoạn. Tuân thủ đúng theo các công đoạn đó, giấy dó có thể lưu giữ cả trăm năm.
Nguyên liệu làm giấy dó là cây dó mọc trên rừng được khai thác chuyển về, bóc lấy vỏ phơi khô cho vào bể ngâm nước 48 giờ đồng hồ, sau đó ngâm với nước vôi đặc rồi cho vào thùng phi đun liên tục trong 24 giờ, đem vớt ra rửa sạch, giã nhuyễn tạo bột, kết hợp với chất nhầy từ nhựa cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là “huyền phù” mà người thợ sẽ pha với nước loãng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy hay còn gọi là tráng giấy, người thợ dùng “liềm seo” (khuôn có mành trúc, nứa ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, nén hay cán phẳng.
Sản phẩm chính của giấy dó là giấy vàng quỳ dùng làm bản thác văn bia, làm tranh Đông Hồ; giấy tăng sin dùng để quấn trong các quả pin chống ẩm, sản phẩm tầng cách âm, cách nhiệt, làm màng loa máy thu thanh; giấy dùng làm quạt, phục dựng các ấn bản sách cổ với các loại kích thước như giấy trúc, giấy khay...
Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: Bước vào thời hiện đại, công nghệ in ấn theo lối Tây phương với độ chính xác cao, khả năng sản xuất đại trà công nghiệp lớn, đã dần lấn át giấy Dó truyền thống. Nghề làm giấy Dó đứng trước nguy cơ bị mai một. Đặc biệt hiện nay, không còn nhiều thợ thủ công theo nghề làm giấy Dó của cha ông. Nhận thức được vấn đề bảo tồn các giá trị của nghề truyền thống xưa, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các nghệ nhân tổ chức chương trình triển lãm Dó Việt xưa - nay với mong muốn giới thiệu, tôn vinh một nghề truyền thống quý giá của cha ông.
Sự kiện văn hóa đặc biệt này là một trong những hoạt động tiêu biểu của Thủ đô thiết thực chào mừng kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2019) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tất cả những gì tinh túy, đặc sắc nhất của nghề làm giấy Dó sẽ được giới thiệu, trình diễn tại Đình Kim Ngân, một di tích kiến trúc – nghệ thuật nơi thờ ông tổ bách nghệ và cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm trưng bày, giới thiệu các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam.