Mâm cỗ giao thừa của chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 |
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 ngồi quây quần bên nhau trên boong tàu, dưới sân bóng hát vang khúc quân hành giữ biển “171 Lữ đoàn chúng ta, vì Tổ quốc cất cao lời ca. Dù ngàn dặm, vượt ra khơi tàu giặc kia chìm đắm tơi bời, dù nhọc nhằn, dù gian lao một niềm tin ngời sáng muôn đời, 171 Lữ đoàn xứng danh, vì Tổ quốc hiến dâng tuổi xanh”. Tôi ùa vào cùng hát, cùng múa với những người lính trẻ trong nỗi niềm trào dâng xúc động trước phút giao thừa.
Bí thư đảng ủy Phòng Tham mưu- trung tá Nguyễn Thế Hùng lì xì các chiến sĩ |
23 giờ, đêm giao thừa của cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn tàu săn săn ngầm 171 Vùng 2 Hải quân bắt đầu.
Tại trung đội vệ binh, trung úy Bùi Thanh Hưng trong quân phục tiểu lễ nghiêm trang cầm micro dõng dạc nói: “Còn ít phút nữa chúng ta bước sang một năm mới. Do điều kiện dịch Covid-19 và nhiệm vụ, chúng ta không được về quê cùng gia đình người thân quây quần bên nhau. Nhưng chúng ta có đồng chí đồng đội. Thời khắc giao thừa thiêng liêng đã tới, chúng ta hãy cầu chúc cho nhau một năm mới tràn đầy sức khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Tôi hòa mình cùng chiến sĩ chơi trò hái hoa dân chủ, vòng quay trí tuệ, thi hát karaoke.
Giúp cháu nhỏ hái hoa dân chủ đêm giao thừa |
Trong nỗi niềm của người lính trẻ lần đầu tiên đón Tết xa quê, binh nhất Mai Ngọc Thiện Thọ chia sẻ: “Tôi có vợ ở Đồng Nai. Đây là lần đầu tôi đón Tết xa gia đình. Tuy không bên cạnh người thân, bố mẹ, vợ, con, nhưng quanh tôi có đồng chí đồng đội. Đây là những giây phút không thể nào quên đối với đời lính biển”.
Biết chồng không về đón Tết cùng gia đình, chiều 30 Tết, chị Nguyễn Tường Vi, là vợ của binh nhất Mai Ngọc Thiện Thọ đã quay video khuôn mặt mình gửi cho chồng qua Zalo, dặn dò: “Tết này anh không về được vì nhiệm vụ. Anh cứ yên tâm công tác, em và con vẫn khỏe. Hoàn thành nhiệm vụ gia đình mình sẽ đoàn viên”.
Có cả học sinh là con của bộ đội chơi trò “hái hoa trúng thưởng” |
Trong lúc trung đội vệ binh tổ chức hái hoa dân chủ đón giao thừa, thì binh nhất Trịnh Ngọc Long bồng súng canh gác ngoài cổng A. Nỗi nhớ vợ và đứa con trai 6 tháng tuổi chưa một lần về thăm canh cánh trong lòng người lính trẻ. Chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ, Long cho đó là việc làm cần thiết: “Em nhớ nhà lắm. Vợ em mới sinh con trai 6 tháng tuổi. Từ lúc bé ra đời đến giờ, em chưa được bế con lần nào. Vợ em gửi ảnh bé qua Zalo thôi. Hồi chiều em gọi điện về nhà nghe tiếng con khóc oe oe, em thương bé quá”- Long, nói. Trong ánh mắt của người lính trẻ, tôi nhìn thấy giọt nước rưng rưng xúc động.
Ca gác đặc biệt xuyên hai năm |
Cũng thời điểm này, hàng trăm cán bộ chiến sĩ ở các tàu săn ngầm 13,15,17,11 tổ chức đón giao thừa. Giữa mênh mông sống nước, tốp chiến sĩ ngồi trên mũi tàu kể chuyện ngày xưa. Ở một góc khác, tốp chiến sĩ cầm đàn ghi ta hát vang bài tình ca của biển để vơi nỗi nhớ nhà.
Trung úy Nguyễn Văn Hải quê gốc ở thành phố Hải Dương hiện công tác tại tàu 11 chi sẻ: “Đây là năm thứ hai liên tục tôi đón Tết xa nhà. Quê tôi vùng dịch Covid, có về cũng chẳng gặp được vợ con. Tôi xác định đón Tết xa gia đình, gặp vợ con người thân qua Zalo. Đón Tết ở đơn vị có đầy đủ hương vị ngày quân cũng như đón Tết ở nhà.
Đảm nhiệm ca gác từ 23 giờ ngày 11/2 đến 1 giờ sáng ngày 12/1 (tức ca khác đặc biệt giờ sang canh), hai chiến sĩ Phan Văn Hùng và Võ Văn Vương coi đó là niềm hào. “Tôi rất tự hào được gác ca đặc biệt này. Trước thời khắc thiêng liêng, tâm trạng tôi xốn xang khó tả. Tôi cầu chúc mọi điều tốt lành sẽ đến với mọi người, dịch covid sẽ qua mau, cuộc sống an lành sẽ đến với mỗi gia đình, đất nước phồn vinh và phát triển”- chiến sĩ Phan Văn Hùng, chia sẻ.
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân đến từ mọi miền Tổ quốc xuân này đón Tết xa quê đều có một nỗi niềm chung là nhớ quê hương, gia đình, người thân trước phút giao thừa, và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.