Giảm thuế giá trị gia tăng đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp
(TN&MT) – Tại phiên họp cho cho ý kiến về về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đều thống nhất việc giảm thuế GTGT sẽ đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh đó cần phải cân đối việc thu ngân sách nhà nước.
Sáng ngày 13/5, điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng. Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.
Nghị quyết phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay
Tóm tắt Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày đã nêu mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Quan điểm xây dựng Nghị quyết bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bám sát định hướng của Quốc hội nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Về nội dung của dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).
Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022. Việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế. Do vậy, năm 2023 Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế GTGT dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Đánh giá về tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Về tác động đến các cam kết quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, qua rà soát về các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, các nội dung chính sách được đề xuất tại dự án Nghị quyết đều đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và không trái với các cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên.
Đề nghị Chính phủ hoàn hoàn thiện hơn nữa Báo cáo đánh giá tác động
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giảm thuế GTGT là đúng thẩm quyền theo quy định.
Thường trực Ủy ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật về cơ bản nhất trí bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đồng thời, để việc giảm thuế GTGT có thể kịp thời đi vào thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, Thường trực Uỷ ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ về cơ sở pháp lý của việc thực hiện quy trình rút gọn, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung giải trình rõ lý do đề nghị xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn trong hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, thời hạn Chính phủ gửi hồ sơ dự án Nghị quyết và đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, chưa tuân thủ quy định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ và gây bị động cho các cơ quan trong quá trình thẩm tra.
Ngoài ra, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Chính phủ còn thiếu các đánh giá tác động về kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh như mục tiêu đặt ra. Vì vậy, đề nghị Chính phủ hoàn hoàn thiện hơn nữa Báo cáo đánh giá tác động.
Với quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết so với năm 2022, Thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị nội dung giảm thuế GTGT của dự thảo Nghị quyết về cơ bản lấy theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Về hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết, do các văn bản hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế đã được quy định đầy đủ khi triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 năm 2022, Thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị trong nội dung dự thảo Nghị quyết sẽ giao Chính phủ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.
Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị UBTVQH trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo hướng tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT như đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Thời hạn áp dụng từ thời điểm Nghị quyết được thông qua cho đến hết 31/12/2023.
Nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chậm gửi hồ sơ, tài liệu trình
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc trình chậm hồ sơ tài liệu khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bị động trong việc chuẩn bị. Đến nay dự kiến nội dung chương trình kỳ họp Quốc hội không có nội dung.
Phân tích quy trình để xem xét các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đòi hỏi nhiều bước chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu chậm gửi hồ sơ thì các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian để nghiên cứu thẩm tra. Mặt khác, giảm thuế là chủ trương lớn phải có đánh giá tác động, báo cáo cấp có thẩm quyền, quy trình đòi hỏi nhiều thời gian. Do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cùng Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục chấn chỉnh rút kinh nghiệm về vấn đề này, siết chặt kỉ luật kỉ cương.
Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023. Nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện như nào đó để khả thi vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan xem xét đưa nội dung này bố trí thảo luận cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và đưa vào quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp bảo đảm đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình rút kinh nghiệm trong việc gửi chậm tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bổ sung cụ thể hơn việc tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng năm 2022, bổ sung các dẫn chứng, số liệu cụ thể, đánh giá cụ thể hơn tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng với nền kinh tế, thuyết minh thuyết phục hơn cho đề nghị giảm thuế...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện các công tác cần thiết để bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5 sắp tới.