Giảm thiểu BĐKH: Sử dụng kiến thức và công cụ về khí hậu để hành động
(TN&MT) - Một hội nghị khoa học quốc tế mang tính bước ngoặt đã đưa ra lời kêu gọi hành động chưa từng có nhằm hạn chế biến đổi khí hậu - một trong những thách thức lớn nhất nhân loại phải đối mặt trong lịch sử.
Hơn 1.400 nhà khoa học, chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện xã hội dân sự tại Hội nghị Khoa học Mở của Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới (WCRP) vừa cho biết, “cánh cửa cơ hội hạn hẹp” cho hành động về khí hậu đang đóng lại nhanh chóng, với các tác động của biến đổi khí hậu được cảm nhận ở khắp mọi nơi và hàng ngày. Hội nghị Khoa học Mở của Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới vừa diễn ra tại Kigali, Rwanda.
“Khoa học khí hậu mạnh mẽ, phù hợp và dễ tiếp cận là rất quan trọng để hiểu, dự đoán và lập kế hoạch cho các tác động của biến đổi khí hậu. Hội nghị này đã làm rõ những tiến bộ to lớn đã đạt được và những khoảng trống còn tồn tại. Và trên hết, nó đã cho thấy sự cấp thiết của việc biến khoa học thành chính sách”, đồng chủ tịch hội nghị Detlef Stammer cho biết.
Tuyên bố Kigali
Dưới biểu ngữ “Khoa học khí hậu vì một tương lai bền vững cho tất cả mọi người”, kết quả của Hội nghị Khoa học Mở ở Rwanda - hội nghị đầu tiên được tổ chức ở Châu Phi - sẽ được tóm tắt trong Tuyên bố Kigali. Các đại biểu tham dự hội nghị sẽ đưa ra lời kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động ngay bây giờ để cứu hành tinh trước khi quá muộn, đồng thời thúc đẩy đầu tư đa phương, dễ tiếp cận và công bằng vào khoa học và dịch vụ khí hậu.
Tuyên bố Kigali sẽ kêu gọi cộng đồng khoa học khí hậu nỗ lực hơn nữa để đưa tiếng nói của họ đến gần hơn với mọi người, đảm bảo rằng thành quả của những tiến bộ trong dự báo và công nghệ có thể tiếp cận được và phù hợp với mọi người trong kỷ nguyên máy tính và mô hình hiệu suất cao, máy học và trí tuệ nhân tạo, cũng như những lỗ hổng lớn trong hệ thống quan sát cơ bản.
“Hội nghị Khoa học Mở của Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới diễn ra ở trung tâm Châu Phi, nơi xã hội rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Cũng như những nơi khác ở Nam bán cầu, nơi đây không có đủ nguồn tài trợ nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học địa phương và củng cố kiến thức địa phương bằng các công cụ, dữ liệu và kiến thức chuyên môn tốt nhất có thể. Do vậy, cần điều chỉnh lại vấn đề này để tạo sự công bằng”, bà Helen Cleugh, đồng chủ tịch hội nghị cho biết.
Tác động tàn phá
Tại hội nghị, các nhà khoa học cho biết, mặc dù tư vấn khoa học là hoạt động đã diễn ra nhiều thập kỷ, có nhiều báo cáo và nhiều thỏa thuận quốc tế, nhưng lượng khí thải nhà kính vẫn tiếp tục gia tăng.
Hội nghị WCRP đầu tiên diễn ra vào năm 2011 - khi nồng độ carbon dioxide khoảng 390 phần triệu (ppm) vào năm 2011. Hiện tại, nồng độ này đã ở mức gần 420 phần triệu. Sự gia tăng không ngừng của các khí nhà kính giữ nhiệt đồng nghĩa rằng mực nước biển dâng và sông băng tan chảy đang gia tăng và nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục. Năm nay được đánh giá là năm nóng kỷ lục và thế giới khó có thể đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5 độ C. Điều này đang gây tác động ngày càng tàn khốc đến hệ sinh thái, môi trường, nền kinh tế và xã hội.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo ngại rằng một sự thay đổi cơ bản đang diễn ra trong mô hình hoàn lưu khí quyển và đại dương. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc liệu chúng ta có đang tiếp cận một số “điểm tới hạn” quan trọng hay không - sự thay đổi nhanh chóng và/hoặc không thể đảo ngược của các tảng băng, băng biển, rừng nhiệt đới Amazon và các thành phần quan trọng khác của hệ thống Trái đất.
Hàng chục bài thuyết trình của các chuyên gia hàng đầu thế giới nhằm tìm hiểu, trao đổi về các vấn đề bao gồm những thay đổi nhanh chóng và/hoặc không thể đảo ngược trong hệ thống khí hậu; tác động đến an ninh lương thực và nguồn nước; y tế đô thị; chu trình cacbon và nước; ngân sách năng lượng toàn cầu; biến đổi khí hậu khu vực; gió mùa toàn cầu và khu vực; hiện tượng cực đoan; can thiệp khí hậu; dịch vụ khí hậu, mô hình và dự báo…
Tương lai của khoa học khí hậu
Các nhà khoa học trẻ - gương mặt của tương lai sẽ thúc đẩy khả năng lãnh đạo khoa học trong tương lai và đảm bảo thể hiện quan điểm của họ trên phạm vi rộng. Giáo sư Guy P. Brasseur (Viện Khí tượng Max Planck, Hamburg, Đức và Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ ở Boulder, Colorado) đã kết thúc hội nghị bằng bài trình bày về “Hành trình đến năm 2050”.
Theo ông, công nghệ đã đạt được những tiến bộ to lớn trong những thập kỷ qua, trong đó có các cuộc cách mạng trong thế giới số mở đường cho sự tiến bộ trong tương lai.
Mô hình hóa toàn cầu quy mô 1 km nằm trong tầm tay và cần bổ sung (không thay thế) các phương pháp mô hình hóa và sáng kiến nghiên cứu khác để nâng cao hiểu biết và dự báo của chúng ta về thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu. “Đã đến lúc dân chủ hóa và vận hành các công cụ của chúng ta. Chúng ta nên tận dụng các công cụ này để cung cấp thông tin cho từng công dân trên thế giới”, Giáo sư Brasseur nhấn mạnh.