Thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, đang diễn ra một quá trình di cư mạnh mẽ vào các vùng đô thị. Hầu hết nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung ở các trung tâm đô thị đã làm tăng thêm lực hút, lôi cuốn lao động nông thôn ra các thành phố lớn.
Sự gia tăng này, xét về mặt lợi thế, người dân thành thị có nhiều cơ hội hơn tiếp cận với tiện nghi như điện lưới, nước hợp vệ sinh và điều kiện học tập cũng như được làm việc trong những ngành nghề được đào tạo chuyên môn. Chẳng hạn, trong khi ở nông thôn còn 4,3% hộ gia đình không có điện, tỷ lệ đó ở khu vực thành thị loại đặc biệt chỉ có 0,2%... Những lợi thế này thậm chí càng rõ rệt tại những địa bàn có mức độ đô thị hóa cao. Điều này càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của các thành phố lớn.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, vẫn có một bộ phận không nhỏ dân cư đô thị không có điều kiện tiếp cận với các tiện nghi cơ bản như nhà vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh. Chẳng hạn, từ 0,5% đến 6% hộ ở các khu vực đô thị chưa được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, từ 0,3% đến 5,1% hộ ở các khu vực đô thị thậm chí không có nhà vệ sinh để sử dụng. Hơn nữa, ngay cả trong những đô thị phát triển nhất như thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng cư dân đông đúc và nhà ở chật hẹp đã dẫn đến một tỷ lệ chung đụng cao về nơi cư trú. Người dân sinh sống tại thành phố có mức độ đô thị hóa cao thường thất nghiệp nhiều hơn. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, tỷ lệ người thất nghiệp trên tổng số người trong độ tuổi 15 trở lên tại khu vực đô thị là 4,6% so với ở khu vực nông thôn chỉ có 2,3%.
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, tự nhiên đối với mọi quốc gia. Tuy vậy, đô thị hóa tự phát, thiếu quy hoạch khoa học sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét đầu tư nhằm tăng sức hấp dẫn của một số trung tâm đô thị thuộc tỉnh, chia sẻ sức hút nhập cư vào các đô thị lớn. Sự đầu tư này cũng nên chú trọng đến việc nâng cao phúc lợi và cơ hội cho cư dân đô thị ở các tỉnh, giảm bớt sự bất bình đẳng đang tồn tại giữa các trung tâm đô thị ở Việt Nam.
Sức hấp dẫn của các thành phố trực thuộc tỉnh chỉ có thể cân bằng với các đô thị lớn nếu như các chính sách dân số và đô thị hóa là cấu thành cơ bản của chiến lược phát triển chung, gắn kết hữu cơ với bối cảnh kinh tế vĩ mô và được triển khai thực hiện hài hòa với các chính sách phát triển và phúc lợi xã hội khác ở nông thôn.