Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Trần Tuấn Ngọc phát biểu tại Hội thảo |
Ông Trần Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết, năm 2021, với vai trò là Khối trưởng Khối thi đua số IV - Bộ TN&MT, Cục đã đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ thi đua sôi nổi, sâu rộng trong mọi lĩnh vực hoạt động nhằm hoàn thành các nội dung, mục tiêu thi đua do Bộ TN&MT phát động. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác năm 2021 góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành TN&MT.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động thi đua đã bị hạn chế, không được tổ chức. Để các hoạt động thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện tốt các nhiệm vụ của Bộ TN&MT giao phó, với vai trò là Khối trưởng Khối Thi đua số IV, Cục Viễn thám quốc gia tổ chức Hội thảo giới thiệu kết quả Dự án giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám để cùng trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý và chuyên môn, chia sẻ những kết quả trong công tác quản lý Nhà nước của các đơn vị trong Khối.
Giới thiệu về kết quả Dự án, ông Vũ Hữu Liêm, Giám đốc Trung tâm Giám sát Tài nguyên Môi trường và Biến đổi khí hậu (Cục Viễn thám quốc gia) cho biết, Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám” đã được Bộ TN&MT phê duyệt theo Quyết định số 3138/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2016 giao Cục Viễn thám quốc gia chủ trì thực hiện.
Theo đó, Dự án được thực hiện trên phạm vi 18 khu vực trọng điểm thuộc các tỉnh miền Trung với mục tiêu xây dựng CSDL tại một số khu vực bờ biển trọng điểm đang bị xâm thực mạnh nhằm cung cấp thông tin trực quan, cập nhật nhanh chóng tình hình xói lở bờ biển bằng công nghệ viễn thám đến các cơ quan quản lý, qua đó giám sát, theo dõi lâu dài và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp phục vụ thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do xói lở bờ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Giám sát xói lở bờ biển bằng công nghệ viễn thám
Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Giám sát TNMT và Biến đổi khí hậu đã chủ động xây dựng thiết kế kỹ thuật chi tiết để tổ chức thi công khoa học, hợp lý, đảm bảo tiến độ và thực tế đã hoàn thành dự án trong năm 2021 đúng như kế hoạch đã duyệt. Theo đó, Dự án đã xây dựng được CSDL giám sát xói lở bờ biển được vận hành trên nền công nghệ viễn thám và địa tin học; đề xuất được cơ chế vận hành hệ thống theo chu kỳ hàng năm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và kỹ thuật cũng như nguồn kinh phí nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về xói lở bờ biển.
Cũng theo ông Liêm, với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống khác, công nghệ viễn thám kết hợp GIS là công cụ duy nhất có hiệu quả trong công tác giám sát xói lở bờ biển. Với gần hàng nghìn km bờ biển ở nước ta, việc áp dụng công nghệ viễn thám và sử dụng nguồn dữ liệu ảnh từ trạm thu ảnh vệ tinh hiện có là giải pháp hữu hiệu để có được những thông tin cơ bản về quản lý bờ biển như: dân cư cơ sở hạ tầng và các công trình bảo vệ bờ biển, ... góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển.
Bên cạnh đó, trước tình hình xói lở bờ biển nước ta xảy ra ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ, việc triển khai nhiệm vụ của dự án này có ý nghĩa và hiệu quả xã hội hết sức to lớn, kết quả dựa án sẽ đưa ra được các thông tin chính xác về các khu vực đường bờ có các hiện tượng xói lở/bồi tụ, để từ đó đưa ra dự báo về khả năng xảy ra các hiện tượng này trong tương lai.
Thông qua sản phẩm, kết quả của dự án là các báo cáo đánh giá về nguyên nhân, cơ sở dữ liệu chi tiết về các đối tượng cần theo dõi, giám sát tại các khu vực trọng điểm ven biển cũng như các công cụ phân tích và mô hình tính toán đã giúp cho công tác quản lý về phòng chống, giảm thiểu các thiệt hại do xói lở bờ biển gây ra có được cơ sở khoa học vững chắc và số liệu cập nhật thường xuyên, kịp thời trợ giúp có hiệu quả vào việc xây dựng quy hoạch phát triển vùng ven biển một cách hợp lý nhằm thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến và tác động tiêu cực đến đời sống các quốc gia ven biển như nước ta hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao hiệu quả của Dự án và cho rằng Dự án đưa vào thực hiện là một chủ trương đúng đắn của Bộ TN&MT trong việc thực hiện chiến lược của ngành và “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Việc giám sát xói lở bờ biển tại các khu vực trọng điểm ven biển miền Trung bằng công nghệ viễn thám là giải pháp kỹ thuật tiên tiến và tối ưu trong điều kiện công nghệ hiện nay. Đặc biệt, việc phân tích các thông tin về xói lở đường bờ biển trong quá khứ và hiện tại cũng như các thông tin liên quan khác cho phép đánh giá được xu thế của xói lở trong tương lai.
Đại diện các đơn vị cũng kiến nghị cơ quan chủ quản thực hiện Đề án này cần đề xuất, tiếp tục thông qua các nhiệm vụ cụ thể về theo dõi giám sát định kỳ các khu vực trọng điểm và xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát phục vụ cập nhật và báo cáo định kỳ về quy mô, cường độ và dự báo nguy cơ xói lở bờ biển, phục vụ cho công tác quản lý của ngành TN&MT.