Chủ trì cuộc họp, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tiếp tục thực hiện, tuân thủ nghiêm ngặt nội dung Công điện của Thủ Tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; trong đó đặc biệt tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là đối với các hồ chứa lưu vực sông Hồng, sông Hương và sông Vu Gia - Thu Bồn.
Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp |
Phó trưởng ban thường trực BCĐ Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến thời điểm này, nhìn chung chúng ta đã giữ được cục diện hệ thống hồ thuỷ điện, thuỷ lợi trên cả nước. Tuy nhiên, trước diễn biến từ nay đến cuối năm, một năm thiên tai cực đoan, dị thường, đặc biệt không được chủ quan.
Theo cơ quan dự báo KTTV quốc gia, đợt áp thấp nhiệt đới sẽ áp sát đất liền trong hôm nay, tác động với nhiều hình thái thời tiết, tâm điểm gây mưa lớn ở Trung Bộ. Khu vực này thời gian vừa qua đã chịu tổn thương nặng nề, các lưu vực, hồ chứa đầy, đất vùng đồi, vùng rừng đều ngấm đầy nước. Trong khi, hoàn lưu của các hình thái, trên một phạm vi rộng sẽ còn tương tác, tác động gây mưa kéo dài.
Do vậy, Phó trưởng ban thường trực BCĐ Nguyễn Xuân Cường đề nghị, đối với phía Bắc tập trung đôn đốc vận hành hồ chứa thuỷ điện khoa học, hợp lý, đảm bảo liên hoàn. Có bất cứ ảnh hưởng mưa cục bộ nào đều phải điều chỉnh kịp thời đảm bảo an toàn. Trong đó, nhánh sông Đà (Tuyên Quang, Thác Bà) phải tuân thủ quy trình vận hành.
“Ngành điện lực tăng cường phát điện tối đa qua cửa điện. Đưa vào chế độ quản lý, chỉ đạo, điều hành nghiêm ngặt, thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo để đảm bảo đa mục tiêu, đặc biệt là tích trữ đủ mức nước để phục vụ cho mùa khô và mùa hè năm tới”, Phó trưởng ban Nguyễn Xuân Cường yêu cầu và lưu ý đối với toàn bộ số hồ nhỏ, 41 hồ đang thi công, hồ ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và chú ý mặt cắt của nhánh sông Cầu.
Ở khu vực Bắc miền Trung, tất cả các hồ nhỏ cơ bản đầy nước kể cả thuỷ điện và thuỷ lợi, Phó trưởng ban Nguyễn Xuân Cường đề nghị hết sức chú ý đối với nhóm hồ lớn (thuỷ điện, thuỷ lợi), nhất là các hồ ở vùng lõi mưa dự báo những ngày tới. Đồng thời, chỉ đạo địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát nhóm hồ đang sửa chữa, hồ nhỏ xuống cấp.
Quang cảnh cuộc họp |
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo TW về PCTT, hiện các hồ điều tiết lũ ở Bắc Bộ: Hồ Hòa Bình xả 1 cửa xả đáy vào hồi 18 giờ ngày 13/10. Các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà chủ động và chịu trách nhiệm vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình theo Công điện số 18/CĐ-TW ngày 05/10/2020 và 19/CĐ-TW ngày 06/10/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Trên lưu vực sông Hương, tính đến 5 giờ ngày 16/10, các hồ cơ bản đang đầy nước, đang xả 300-500m3/s đưa về mực nước đón lũ. Các hồ cần tăng lượng xả để hạ dần mực nước hồ chuẩn bị cho tình huống mưa lũ sắp tới.
Trong khi đó, ở lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, đến 5 giờ sáng nay, các hồ lớn cơ bản đã đầy nước và đang xả tràn. Lưu vực sông Cả: các hồ Bản Vẽ, Khe Bố đạt trên 90% dung tích thiết kế. Lưu vực sông Mã, các hồ chứa đạt từ 68-80% dung tích thiết kế.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, lũ các sông tiếp tục xuống, mực nước lúc 22 giờ ngày 15/10 trên một số sông như sau: Sông Bồ tại Phú Ốc 3,40m; trên BĐ II 0,4m; Sông Hương tại Kim Long là 1,79m; dưới BĐ II 0,21m; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,41m; dưới BĐ II 0,59m.
Dự báo, từ ngày 16-21/10 trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, thượng nguồn các sông ở Bình Định, Phú Yên, KonTum, Gia Lai có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; riêng các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vượt mức BĐ3.
* Tính từ ngày 6/10 đến nay, mưa lũ ở miền Trung đã làm 50 người chết, 7 người mất tích; 649 nhà ở bị sập đổ, hư hỏng; 168 điểm Quốc lộ, 33.639m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 900ha lúa, 5.514ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.978ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đã có 6 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, 7 người bị chết, mất tích; 4 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.
* Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7: đã có 1 người (Yên Bái) bị mất tích; 1 nhà bị sập, 14 nhà hư hỏng; 870 ha lúa giảm năng suất, 105 ha cây rau màu bị thiệt hại (Nam Định). Tỉnh Nam Định xảy ra sự cố sạt mái kè Hải Thịnh 3, đê biển Hải Hậu với diện tích các hố sạt 278m2 (tại K25+320 và K25+770).