Tổ chức 10 đợt giám sát Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS)
Trong năm 2018, Bộ TN&MT đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan khoa học, các chuyên gia về môi trường tổ chức 10 đợt giám sát định kỳ, đột xuất để yêu cầu FHS khẩn trương khắc phục sự cố, hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo đạt Quy chuẩn Việt Nam, cải tiến và nâng cấp công nghệ để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quá trình giám sát đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh của FHS trong quá trình vận hành để thông tin báo chí cho người dân được biết như vụ việc phát tán bụi, mùi tại các phường Kỳ Phương và Kỳ Long được người dân phản ánh vào tháng 6/2018 do quá trình đổ gang lỏng.
Kết quả đến nay, FHS đang vận hành tất cả các hạng mục công trình sản xuất sản phẩm gang, thép với công suất đạt công suất thiết kế. Để đảm bảo các nguồn thải được xử lý đạt QCVN và đáp ứng Tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết, từ tháng 7/2017, FHS đã hoàn thành 07 hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải theo yêu cầu tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích khoảng 10 ha. Hiện nay, các dòng nước thải sinh hoá, công nghiệp đã được xử lý đạt QCVN ở các Trạm XLNT cục bộ của FHS sau khi qua hệ thống hồ sinh học tiếp tục được xử lý, cải thiện tốt hơn và luôn đạt QCVN cho phép, đang dần tiếp cận với QCVN về nước mặt. Theo báo cáo của FHS, tổng kinh phí đầu tư cho toàn bộ các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình bảo vệ môi trường nêu trên là trên 400 triệu USD. Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô và lắp đặt thiết bị xử lý khí thải bổ sung cho Xưởng Thiêu kết, đến hết tháng 11/2018, tiến độ lắp đặt hệ thống CDQ đã đạt 86% khối lượng công việc, đối với thiết bị xử lý khí thải bổ sung cho Xưởng Thiêu kết đạt 69% khối lượng công việc. FHS cam kết đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục này.
Kết quả giám sát đo đạc, phân tích mẫu chất thải, mẫu môi trường xung quanh do các đơn vị được trưng cầu (gồm: Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc và Quartest 1) lấy tại FHS cho thấy: chất lượng nước biển ven bờ, nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của Dự án đảm bảo quy chuẩn quy định và phù hợp với giai đoạn trước khi FHS vận hành thử nghiệm Dự án; các loại nước thải, khí thải đều đạt QCVN trước khi xả ra ngoài môi trường. Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình đang hoạt động của FHS đều đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành để FHS đưa vào vận hành chính thức theo đúng quy định của pháp luật.
Giám sát vận hành xử lý chất thải Khu kinh tế Nghi Sơn
Kể từ khi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu vận hành thử nghiệm các hạng mục sản xuất của Dự án (tháng 01/2018 đến nay), Tổ giám sát đã tổ chức 6 Đoàn kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với Công ty; phối hợp chặt chẽ với Nhóm kỹ thuật thường trực của tỉnh Thanh Hoá hàng ngày cử cán bộ có mặt trực tiếp tại Dự án để giám sát việc vận hành các công trình xử lý chất thải của Dự án. Tổng hợp kết quả phân tích mẫu nước thải, khí thải do Công ty phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thực hiện; kết quả kiểm tra đối chứng của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc; kết quả theo dõi số liệu quan trắc tự động liên tục của Nhóm Kỹ thuật thường trực cho thấy nước thải, khí thải phát sinh từ các hạng mục sau xử lý cơ bản đều đáp ứng các QCVN cho phép. Quá trình giám sát đã kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình Công ty vận hành dự án như: xử lý sự cố rò rỉ dầu tại hệ thống COC; sự cố phát sinh mùi khu vực dự án.
Tháng 3/2018 đã đánh dấu thời điểm quan trọng để Công ty đưa Dự án vào vận hành thử nghiệm. Thông qua cơ chế giám sát liên ngành giữa Tổ Giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Nhóm kỹ thuật thường trực của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, quá trình vận hành thử nghiệm Dự án đến nay đã diễn ra thuận lợi, đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường. Hiện nay, Công ty đang vận hành ổn định các hạng mục để sản xuất ra các sản phẩm khí hóa lỏng, xăng, dầu và sản phẩm hóa dầu, được cung ứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra quốc tế; góp phần ổn định tình hình an ninh năng lượng quốc gia.
Không chỉ giám sát 2 dự án nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn chỉ đạo Tổng cục Môi trường theo dõi thường xuyên, liên tục các vụ việc, điểm nóng môi trường tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thông qua hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, các Tổ giám sát về môi trường, cũng như qua hệ thống Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.
Nhờ các hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án, nguồn thải lớn có nguy cơ gây sự cố môi trường, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường đã có bước tiến mới. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường chuyển từ thế bị động sang chủ động.